Quan hệ thương mại Mỹ-Trung vẫn căng thẳng sau đối thoại ở Alaska

Triển vọng quan hệ thương mại Mỹ-Trung có thể vẫn còn bị thách thức sau khi các cuộc đàm phán ngoại giao cấp cao trong tuần qua cho thấy đội ngũ của Tổng thống Joe Biden không có kế hoạch từ bỏ hoàn toàn giọng điệu cứng rắn của chính quyền Trump trong các cuộc thảo luận với Bắc Kinh.

Mặc dù Washington và Bắc Kinh đã tạm ngừng “tấn công” thương mại ăn miếng trả miếng với thỏa thuận “giai đoạn một” năm ngoái, nhưng đại diện của cả hai bên vẫn chưa hài lòng với hiện trạng và coi bên kia là đối thủ kinh tế quan trọng.

Cuộc cạnh tranh đó đã được thấy rõ hôm thứ Năm vừa qua, khi các quốc gia bắt đầu hai ngày họp tại Anchorage, Alaska.

Ngoại trưởng Antony Blinken bắt đầu phát biểu của mình bằng cách lưu ý rằng Mỹ sẽ nêu bật “mối quan ngại sâu sắc của họ đối với các hành động của Trung Quốc, bao gồm ở Tân Cương, Hồng Kông, Đài Loan, các cuộc tấn công mạng vào Hoa Kỳ [và] ép buộc kinh tế đối với các đồng minh của chúng tôi.”

Dương Khiết Trì, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc  cho biết Mỹ “không có đủ tư cách để nói rằng họ muốn nói chuyện với Trung Quốc từ thế mạnh”.

Mặc dù các cuộc đàm phán lần này được coi là một cuộc thực hành ngoại giao hơn là một cuộc trao đổi kinh tế, nhưng cuộc khẩu chiến này có thể là một bản tóm tắt ban đầu của những trận chiến gay go sắp tới đối với nhóm thương mại Biden. Và mối quan hệ thương mại có giá trị nhất trên thế giới này đang vấp phải nguy cơ lớn.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ ba của Mỹ với tổng kim ngạch thương mại hai chiều là 558,1 tỷ USD vào năm 2019. Khối lượng giao dịch khổng lồ đó đã hỗ trợ ước tính 911.000 việc làm tại Mỹ tính đến năm 2015, với 601.000 từ xuất khẩu hàng hóa và 309.000 từ xuất khẩu dịch vụ.

Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của nông dân Mỹ và thương mại hàng năm các mặt hàng nông nghiệp đạt tổng giá trị 14 tỷ USD hai năm trước. Trung Quốc là nhà cung cấp nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Mỹ.

Clete Willems, cựu luật sư của Tổ chức Thương mại Thế giới tại Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR), nói với CNBC hôm thứ Sáu rằng ông không ngạc nhiên về sự thiếu tiến bộ ở Anchorage.

Willems, người từng là thành viên nhóm thương mại của Trump và hiện là đối tác tại công ty luật Akin Gump, nói rằng các cuộc họp ở Anchorage là cơ hội để chính thức đưa ra các khiếu nại và không phải là một nỗ lực thực tế để khắc phục vấn đề kinh tế. Willems nói: “Tôi không mấy kỳ vọng vào Alaska và thực tế đã xảy ra như đúng những gì tôi dự đoán. Tôi nghĩ rằng [chính phủ Trung Quốc] đã hiểu sai tình hình với nhóm Biden, và họ nghĩ rằng những nhân vật này sẽ đảo ngược các biện pháp của Trump”.

Kể từ chiều thứ Sáu, nhóm làm việc của Mỹ tại Alaska đã không có động thái nào nhằm nới lỏng các hạn chế thương mại của Mỹ cho các công ty Trung Quốc, bao gồm cả gã khổng lồ viễn thông Huawei, nới lỏng các hạn chế về thị thực đối với các đảng viên Đảng Cộng sản hoặc mở lại lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston.

Trang Nguyễn