Quá tải, cảng Cát Lái đối diện với nguy cơ gián đoạn hoạt động
Sau gần 3 tuần Tp.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, container tồn bãi Cát Lái luôn chạm mức hết công suất, nhất là dung lượng dành cho hàng nhập chạm ngưỡng 100% công suất, trong khi nguồn nhân lực lại giảm 50%; báo động nguy cơ cảng phải ngưng hoạt động, chờ giải phóng bớt hàng trên bãi…

Lãnh đạo Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết việc hàng loạt nhà máy phải thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động 14, 21 ngày do phong tỏa hoặc không đảm bảo điều kiện “3 tại chỗ”, “2 địa điểm, 1 cung đường” là nguyên nhân khiến lượng hàng nhập tồn tại cảng Cát Lái tăng mạnh. Với đặc thù thường xuyên hoạt động gần tối đa công suất nên nếu hàng hoá chậm luân chuyển, tồn bãi tăng mạnh thì nguy cơ cao là cảng Cát Lái phải tạm thời ngưng tiếp nhận tàu, chờ giải phóng bớt hàng trên bãi, hoạt động logistics sẽ bị gián đoạn như đã từng xảy ra tại các cảng của Mỹ, châu Âu, Trung Quốc trong các đợt dịch vừa qua.
Bên cạnh khó khăn ùn ứ hàng hóa, cảng Cát Lái còn đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực trầm trọng tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp. Lãnh đạo Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết để duy trì hoạt động sản xuất trong ngày, cảng cần khoảng 500 nhân sự thiết yếu bắt buộc phải có mặt tại hiện trường (nhân viên cảng vụ, lái cẩy bãi xe, lái xe nâng…). Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh nên ở thời điểm hiện tại nhân lực tại cảng chỉ còn 250 người, giảm tới 50% so với trước.
Thêm vào đó mô hình sản xuất “3 tại chỗ” áp dụng với lực lượng công nhân xếp dỡ tàu tại cảng lại không phát huy hiệu quả do đặc thù hoạt động của cảng là phân tán tại nhiều địa điểm ở ngoài trời; hoàn toàn khác với các nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất là hoạt động tập trung trong nhà kín. Hơn nữa việc tập trung số lượng đông công nhân, người lao động ăn ở sinh hoạt cùng một địa điểm cũng góp phần làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Trước những khó khăn trên, nhằm tháo gỡ nút thắt lượng hàng tồn bãi tăng cao, Tân cảng Sài Gòn kiến nghị Tổng cục Hải quan có cơ chế cho phép vận chuyển hàng hóa nhập khẩu và container tồn đọng trên 90 ngày từ cảng Cát Lái về lưu giữ, giao cho khách hàng cũng như thanh lý tại các cơ sở như: cảng Tân cảng Hiệp Phước (Tp.HCM), các ICD (cảng nội địa) Tân cảng Long Bình, ICD Tân cảng Nhơn Trạch (Đồng Nai) và ICD Tân cảng Sóng Thần (Bình Dương). Doanh nghiệp này cũng đề nghị Tổng cục Hải quan mở rộng các danh mục hồ sơ được tải lên Cổng thông tin một cửa quốc gia mà không cần bản giấy, hạn chế người đến cảng làm thủ tục; đồng thời đẩy nhanh công tác thanh lý hàng tồn đọng; bắt buộc tái xuất các lô hàng không đủ điều kiện nhập khẩu ra khỏi Việt Nam.
Đối với thách thức thiếu hụt nguồn nhân lực, lãnh đạo Tân cảng Sài Gòn đề nghị UBND Tp.HCM ưu tiên cho lực lượng lao động dây chuyền sản xuất cảng Cát Lái được hoạt động thường xuyên tại cảng, kể cả người lao động do cảng quản lý ký hợp đồng, công nhân xếp dỡ vệ tinh và các đối tượng khác. Đề nghị Thành phố cho phép số lao động không cư trú tại các khu vực dân cư đang bị phong toả được cấp phép lưu thông đến cảng làm việc; phía doanh nghiệp sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan y tế xét nghiệm sàng lọc theo quy định để đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh.
Ngoài ra Tân cảng Sài Gòn đề nghị Thành phố cấp phát hoặc hướng dẫn mẫu giấy thông hành để lưu thông thuận lợi, kể cả sau thời điểm 18h, phù hợp với điều kiện làm việc theo ca, kíp tại cảng, nhất là đối tượng phải thường xuyên di chuyển nhiều khung giờ khác nhau phục vụ việc cập, rời của tàu thuyền như hoa tiêu lai dắt tàu, đại lý làm thủ tục cho tàu. Doanh nghiệp này cũng đề nghị Tp.HCM, Tp.Thủ Đức cho phép những người đang lưu trú tại huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) có giấy xác nhận làm việc tại cảng và chứng nhận xét nghiệm âm tính còn hiệu lực sẽ được lưu thông qua phà Cát Lái để vào cảng làm việc.
Tùng Phạm