PVS và kỳ vọng một năm 2019 đại thắng
Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS) vừa có báo cáo đánh giá triển vọng của Tổng Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PVS). KIS đưa ra dự báo lợi nhuận ròng PVS trong năm 2019 sẽ tăng mạnh, đạt 1.109 tỷ đồng, tăng 109% so với năm trước; trong đó lợi nhuận cho công ty mẹ là 1.025 tỷ đồng. Lợi nhuận của PVS trong năm 2019 vẫn sẽ chủ yếu đến từ mảng hoạt động dịch vụ căn cứ cảng. Đây cũng là mảng có biên lợi nhuận cao và ổn định nhất của PVS, kể cả trong giai đoạn giá dầu lao dốc.
Theo KIS, PTSC là điểm sáng của ngành dầu khí Việt Nam trong ngắn hạn nhờ lợi nhuận được phục hồi và hưởng lợi ích trực tiếp từ các dự án thượng nguồn lớn sắp đến. Mặc dù trong năm 2018 nhiều dự án mảng dịch vụ Cơ khí và Xây lắp (M&C) của PVS đã kết thúc như dự án Nhà máy kho cảng Hải Phòng, dự án NPK, dự án NH3, dự án GPP Cà Mau song doanh thu năm 2019 của doanh nghiệp này vẫn có thể đảm bảo nhờ một số dự án mới triển khai, nổi bật là dự án Sao Vàng – Đại Nguyệt hay mới đây nhất hợp đồng tổng thầu EPC trị giá 320 triệu USD của dự án Al Shaheen tại Qatar. Ngoài ra PVS còn có nhiều siêu dự án sắp được chào thầu như: dự án Lô B nằm ở bể Malay – Thổ Chu, dự án Cá Voi Xanh nằm ở bể Sông Hồng có khả năng sẽ được xây dựng trong năm 2020.
Sao Vàng – Đại Nguyệt đóng góp 41% lợi nhuận PVS năm 2019
Sao Vàng – Đại Nguyệt là dự án khí tại Lô 05-1b&c – bể Nam Côn Sơn ngoài khơi Việt Nam, cách Tp.HCM khoảng 300km về phía Đông Nam. Năm 2018, PVS đã trúng thầu hợp đồng M&C xây dựng giàn xử lý trung tâm với trị giá 800 triệu USD. Giai đoạn xây dựng kéo dài từ 1Q2018 đến 4Q2020. Tính đến tháng 1/2019, tiến độ xây dựng dự án đạt 50%. Trong bối cảnh ngành Dầu khí Việt Nam vẫn đang phục hồi chậm, dự án Sao Vàng – Đại Nguyệt là điểm sáng giúp đảm bảo khối lượng công việc và lợi nhuận cho PVS trong ngắn hạn. Năm 2019, lợi nhuận từ dự án này sẽ đóng góp 41% tổng lợi nhuận gộp.
Vào tháng 11/2018, PVS đã giành được hợp đồng trị giá 176 triệu USD cung cấp kho nổi FSO cho mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt. Hợp đồng sẽ kéo dài 7 năm từ 2021 và có thể gia hạn thêm 8 năm nữa. KIS ước tính rằng FSO Sao Vàng – Đại Nguyệt sẽ đóng góp lợi nhuận 110 tỷ đồng/năm từ 2021 trở đi.
Đồng thời, PVS cũng đã trúng thầu hợp đồng EPCI trị giá 320 triệu USD của dự án Al Shaheen tại Qatar. Giai đoạn xây dựng sẽ bắt đầu vào cuối năm 2019. Do đây là dự án ở nước ngoài, PVS phải chào thầu với giá thấp để cạnh tranh với các đối thủ khác; vì vậy PVS ước tính biên lợi nhuận gộp chỉ khiêm tốn ở mức 4%, so với 7% của các dự án nội địa thông thường như Sao Vàng – Đại Nguyệt.
Động lực tăng trưởng lợi nhuận từ mảng M&C
Năm 2020 – 2022, nhu cầu Dịch vụ và Xây lắp (M&C) sẽ rất lớn khi các siêu dự án Lô B (nằm ở bể Malay – Thổ Chu, cách Cà Mau khoảng 280km về phía Tây Nam) và Cá Voi Xanh (nằm ở bể Sông Hồng, cách bờ biển Quảng Nam khoảng 70km) sắp được triển khai. Giai đoạn mở thầu sẽ bắt đầu trong nửa đầu năm 2020 và giai đoạn xây dựng sẽ bắt đầu vào nửa cuối 2020. Cả Lô B và Cá Voi Xanh đều là hai dự án khí lớn nhất tại Việt Nam, tổng mức đầu tư ước tính là 18 tỷ USD. Khối lượng công việc khổng lồ sẽ giúp phục hồi ngành Dầu khí Việt Nam đang suy thoái. Trong đó, PVS sẽ là công ty được hưởng lợi nhiều nhất nhờ khả năng cung cấp hàng loạt dịch vụ dầu khí, đặc biệt là phân khúc M&C. Tổng giá trị hợp đồng chưa thực hiện (backlog) M&C ước tính là 3,8 tỷ USD.
Với 2 dự án trên, tổng khối lượng công việc M&C của PVS ước tính là 893 triệu USD trong năm 2020, gấp đôi so với năm 2019. Mảng M&C sẽ là động lực tăng trưởng lợi nhuận chính. KIS ước tính lợi nhuận gộp năm 2020 của PVS sẽ đạt 1.690 tỷ đồng (+26,1% n/n).
PTSC-CGGV bị giải thể, khoản lỗ hợp nhất chấm dứt
Công ty TNHH Khảo sát Địa vật lý PTSC-CGGV là sự hợp tác giữa PVS (chiếm 51% cổ phần) và CGG Veritas Services Holding BV (Pháp). PTSC – CGGV cung cấp dịch vụ khảo sát địa chấn biển 2D và 3D cho các nhà thầu dầu khí tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Công ty hiện đang vận hành tàu địa chấn Amadeus 3D và Bình Minh 02 2D.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2014 đến nay, do giá dầu lao dốc khiến khối lượng công việc và giá dịch vụ khảo sát địa chấn trong nước và quốc tế giảm rất mạnh. Do đó, hoạt động kinh doanh của công ty bị ảnh hưởng nặng nề. Tính đến cuối năm 2018, công ty đã lỗ lũy kế tổng cộng 1.843 tỷ đồng. PTSC – CGGV dự kiến sẽ giải thể vào đầu năm 2019. Việc chấm dứt khoản lỗ hợp nhất (trước đó là 200-300 tỷ đồng/năm) từ công ty này sẽ trực tiếp cải thiện lợi nhuận gộp của PVS. Theo ước tính của KIS, lợi nhuận ròng PVS trong năm 2019 sẽ đạt 1.109 tỷ đồng, tăng 109% so với năm trước; trong đó lợi nhuận cho công ty mẹ là 1.025 tỷ đồng.
Victor Thai