Phục hồi hình chữ K tại các thị trường mới nổi khiến các nước giàu càng giàu hơn

Các thị trường mới nổi đang bị chia cắt bởi sự phục hồi hình chữ K. Cổ phiếu và tiền tệ từ các quốc gia đang phát triển giàu có hơn đã vượt trội so với các nước nghèo hơn kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Khoảng cách có thể mở rộng hơn nếu đại dịch dẫn đến suy thoái sâu hơn ở các quốc gia thiệt thòi nhất.

Rob Subbaraman, trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô toàn cầu của Nomura Holdings Inc. ở Singapore, cho rằng chừng nào COVID-10 còn kéo dài, sự phân kỳ hình chữ K sẽ tiếp tục diễn ra. Ông nói: “Trong thế giới với nợ tăng nhanh và suy thoái sâu, chi phí trả nợ sẽ ngày càng nặng nề hơn và chúng tôi không thể loại trừ một số cuộc khủng hoảng tài chính hoặc tái cơ cấu nợ lớn.”

Một nghiên cứu của Bloomberg về 17 thị trường mới nổi đã phát hiện ra mối tương quan 42% giữa tổng sản phẩm quốc nội trên đầu người và hiệu suất cổ phiếu kể từ khi đợt bán tháo cổ phiếu bắt đầu vào ngày 20 tháng 1 cho đến đầu tuần này. Tương quan giữa GDP bình quân đầu người và lợi nhuận tiền tệ là 31%.

Các thị trường mới nổi giàu có hơn đã có cơ hội phục hồi tốt hơn từ đợt bán tháo hồi tháng 3 do công nghệ và sự quản trị tiên tiến hơn đã giúp họ linh hoạt hơn để ứng phó với đại dịch. Họ đã có thể hạn chế tác động của việc đóng cửa và giãn cách xã hội, thực hiện các phản ứng tài chính lớn hơn và được trang bị tốt hơn các nguồn lực cần thiết để kiềm chế sự bùng phát, chẳng hạn như bệnh viện, trung tâm xét nghiệm và cơ sở kiểm dịch.
Sự phân hóa giàu nghèo giữa các thị trường mới nổi là lớn nhất ở châu Á.

Lợi nhuận cổ phiếu từ bốn nền kinh tế có GDP bình quân đầu người trên 10.000 USD vào năm ngoái – Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và Malaysia – đã cao hơn 20% so với các quốc gia nằm dưới mức đó, bao gồm Ấn Độ, Indonesia, Philippines và Thái Lan. Trong khi điều này một phần là do số lượng các công ty công nghệ được niêm yết ở các quốc gia giàu hơn, nhưng nó cũng là do các nhà chức trách ở đó đã có thể chi tiêu nhiều hơn để trấn an người dân và nhà đầu tư.

Khoảng cách gói kích thích

Gói kích thích tài chính của Hàn Quốc đối với đại dịch, bao gồm ba ngân sách bổ sung, tổng cộng 270 nghìn tỷ won (228 tỷ USD), tương đương khoảng 14% GDP, cung cấp hỗ trợ cho thị trường chứng khoán ngay cả khi dịch bùng phát ở địa phương trở nên tồi tệ hơn. Ngược lại, Chính phủ Philippines cho biết họ không thể tài trợ cho gói kích thích trị giá 1,3 nghìn tỷ peso (27 tỷ USD) đã được phê duyệt vào tháng 6. Thị trường chứng khoán của quốc gia này là thị trường hoạt động kém nhất trong khu vực trong năm nay, giảm hơn 25%.

Trong tương lai, tỷ lệ nhiễm bệnh thấp hơn, không gian chính sách rộng rãi hơn và dịch vụ y tế mạnh mẽ hơn có thể giúp các quốc gia giàu có hơn duy trì vị trí dẫn đầu trong quá trình phục hồi kinh tế.

Các nền kinh tế mới nổi giàu có hơn có khả năng được tiếp cận với vắc xin COVID-19 hiệu quả sớm hơn, theo bước của các quốc gia phát triển giàu có.

Thậm chí có nguy cơ các nền kinh tế lớn hơn sẽ độc quyền cung cấp, một kịch bản đã xảy ra trong đại dịch cúm lợn năm 2009.

Ân Thuyên