Phòng vệ thương mại – công cụ hữu hiệu giúp cạnh tranh sòng phẳng

Bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, các biện pháp phòng vệ thương mại đã góp phần tạo lập lại môi trường cạnh tranh công bằng, bảo vệ được lợi ích chính đáng của doanh nghiệp cũng như các ngành sản xuất trong nước.

default

Tại  Hội nghị Phổ biến thông tin về phòng vệ thương mại cho các cơ quan báo chí, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) Lê Triệu Dũng cho biết tỷ lệ thuận với tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam những năm gần đây thì số vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng xuất khẩu của nước ta cũng gia tăng nhanh chóng. Nếu như giai đoạn 2005-2010 mới chỉ có 25 vụ việc thì giai đoạn 2011-2015, con số này đã tăng lên 52 vụ việc và giai đoạn 2016 – tháng 9/2021 đã tăng lên 109 vụ việc.

Đáng chú ý, giai đoạn trước năm 2005 chỉ có khoảng 22 vụ thì từ 2005 đến nay đã tăng lên 208 vụ việc; trong đó số lượng các vụ việc chống lẩn tránh nhằm vào hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang có dấu hiệu tăng lên do một vài nước cho rằng hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sử dụng nguyên liệu chính được nhập khẩu từ những khu vực đang bị họ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại như thép, nhôm…

Theo các chuyên gia có mặt tại Hội nghị, sở dĩ số vụ việc phòng vệ thương mại tăng nhanh là do bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng cộng với việc tham gia một loạt Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA…) đã tạo bệ phóng thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam, từ đó tạo sức ép cạnh tranh lớn tại thị trường nước nhập khẩu. Để bảo vệ nền sản xuất nội địa, Chính phủ các nước này buộc phải điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ đối với hàng hóa Việt Nam.

Nếu như năm 2001, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam mới đạt hơn 30 tỷ USD thì 6 năm sau, năm 2007 đã là 100 tỷ USD; năm 2011 đạt 200 tỷ USD và năm 2019, con số này đã là 517 tỷ USD. Trong cùng giai đoạn, xuất khẩu đã tăng từ mức 15 tỷ USD vào năm 2001 lên gần 50 tỷ USD năm 2007, gần 100 tỷ USD năm 2011 và đạt hơn 280 tỷ USD vào năm 2020. Dự báo năm nay, lần đầu kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam có thể chạm mốc 600 tỷ USD, riêng xuất khẩu dự kiến đạt 300 tỷ USD. Với kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng trưởng ấn tượng đã đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 trên thế giới.

Ở chiều ngược lại, phòng vệ thương mại là nội dung tương đối mới đối với Việt Nam nhưng những năm gần đây công cụ này đã được chủ động sử dụng nhằm thiết lập môi trường cạnh tranh, công bằng, bảo vệ lợi ích chính đáng của người sản xuất trong nước. Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy tính đến tháng 11/2021, Bộ đã khởi xướng điều tra 23 vụ việc phòng vệ thương mại (một nửa trong số này là các vụ việc chống bán phá giá). Theo đánh giá của Bộ Công Thương, đặt trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, các biện pháp phòng vệ thương mại đã góp phần tạo lập lại môi trường cạnh tranh công bằng, bảo vệ được lợi ích chính đáng của doanh nghiệp cũng như các ngành sản xuất trong nước

Cục trưởng Lê Triệu Dũng cho biết trong nhiều vụ việc, Việt Nam đã thành công trong chứng minh Chính phủ không trợ cấp, không can thiệp vào thị trường để tạo lợi thế bất bình đẳng cho doanh nghiệp xuất khẩu. Chẳng hạn, Australia đã chấm dứt nhiều vụ việc điều tra mà không áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với hàng xuất khẩu của Việt Nam như vụ điều tra với ống thép và dây đai thép phủ màu.

Tuy nhiên bên cạnh sự trợ lực của Chính phủ, các Bộ, ban ngành liên quan thì nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp cũng hết sức quan trọng. Đặt trong bối cảnh xu thế sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng thì công tác cảnh báo sớm và tuyên truyền, thông tin về phòng vệ thương mại cũng ngày càng trở nên cấp thiết. Đối với bản thân mỗi doanh nghiệp, việc chủ động nắm bắt thông tin, cung cấp đầy đủ dữ liệu, hồ sơ và phối hợp cùng cơ quan điều tra phòng vệ thương mại cũng sẽ giúp họ giảm thiểu tối đa thiệt hại. Với ý nghĩa đó, các doanh nghiệp cần trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại, chuẩn bị nguồn lực để đối phó trước nguy cơ bị kiện; tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Bảo Ngọc