Phòng chống dịch phải đi đôi với phục hồi, phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới
Đây là quan điểm hài hoà lợi ích, chia sẻ rủi ro mà Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ gặp cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương. Người đứng đầu Chính phủ cho rằng nếu chỉ lo chống dịch, nước ta sẽ cạn kiệt nguồn lực, ngược lại nếu chỉ tập trung phát triển kinh tế sẽ không bảo vệ được sức khỏe cũng như tính mạng của nhân dân.
Tăng cường các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn
Với sự thay đổi về mặt chiến lược cùng sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính, đến nay tình hình dịch bệnh trong cả nước đang được kiểm soát hiệu quả và có nhiều chuyển biến tích cực; đặc biệt tại các tâm dịch như Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An…, số ca mắc trong cộng đồng và số ca tử vong liên tục giảm. Để nâng cao hiệu quả phòng chống dịch, Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng kịch bản thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh; đồng thời sửa đổi, bổ sung nhiều luật nhằm khắc phục những bất cập, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh…
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Bộ sẽ khẩn trương trình Chính phủ xem xét, ban hành Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023, trong đó có các giải pháp hỗ trợ khu vực doanh nghiệp phục hồi. Ông Dũng cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ban ngành liên quan tăng cường các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, cụ thể: chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương ban hành Hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới và triển khai các hoạt động kinh tế-xã hội bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tổ chức sản xuất kinh doanh sớm nhất trong điều kiện bảo đảm an toàn phòng chống dịch; chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sớm trình Chính phủ Nghị quyết sửa đổi Nghị quyết 68 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch; chỉ đạo Bộ Công Thương đánh giá và xem xét phương án giảm chi phí các dịch vụ thiết yếu như điện, xăng với mức 10-30%; chỉ đạo Bộ Xây dựng khẩn trương nghiên cứu dự thảo quy định về trường hợp bất khả kháng với các dự án, công trình chịu tác động trực tiếp từ các biện pháp chống dịch Covid-19…
Về phía các địa phương trong cả nước cần khẩn trương xây dựng và công bố kế hoạch phục hồi kinh tế, kế hoạch mở cửa trong tình hình mới. Phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, thống nhất phương án, điều kiện tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng với diễn biến dịch bệnh ở địa phương và điều kiện thực tế của doanh nghiệp; hạn chế tối đa đóng cửa toàn nhà máy. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023, tăng cường đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương.
Đồng hành cùng doanh nghiệp trên tinh thần 3 không – 5 thật
Đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho biết dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến các doanh nghiệp ngày càng kiệt quệ. Nếu giãn cách xã hội tiếp tục kéo dài, các doanh nghiệp sẽ sụp đổ. Chính vì vậy các doanh nghiệp đồng tình, nhất trí cao với quan điểm của Thủ tướng là phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối mà phải thích ứng và có tư duy mới, quan điểm mới, chiến lược mới cũng như cách làm mới về chống dịch.
Về chiến lược ứng phó với dịch bệnh, Chủ tịch VCCI đề xuất thay vì dồn toàn lực cho một mặt trận chính là phòng chống dịch bệnh, Chính phủ cũng cần tập trung cho cả mặt trận thứ hai là duy trì, phát triển kinh tế. Để triển khai hiệu quả công tác phòng chống dịch gắn với phục hồi, phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới, cộng đồng doanh nghiệp nhất trí cao với 6 nguyên tắc để thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh mà Thủ tướng đã nêu trong kết luận cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 ngày 23/9/2021. Trong đó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh nguyên tắc số 5 (vắc xin, thuốc chữa bệnh) và nguyên tắc số 6 (ý thức người dân) giữ vai trò tiên quyết; vắc xin chính là chìa khóa, việc mở cửa kinh tế phải đồng bộ với độ phủ về vắc xin. Thứ hai là sản xuất phải an toàn. Kinh nghiệm thế giới cho thấy việc mở cửa lại nền kinh tế nếu không tuân thủ hai nguyên tắc này thì hậu quả rất khó lường
Xoay quanh vấn đề đồng hành vượt khó cùng cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, ông Phạm Tấn Công cho rằng để các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ thực sự phát huy hiệu quả thì việc xây dựng và thực thi các chính sách này cần được xác định theo cấp độ và lộ trình thực hiện phù hợp. Chính phủ cũng cần chỉ đạo các địa phương bãi bỏ ngay các quy định riêng hạn chế, kiểm tra, kiểm soát vận tải hàng hóa giữa các vùng, chỉ kiểm tra tại các điểm giao nhận hàng hóa; không phân biệt hàng hóa thiết yếu; lái xe chỉ cần xét nghiệm âm tính, tuân thủ 5K và các biện pháp an toàn khác..
Song song đó đại diện VCCI cũng đề nghị xem xét phương án điều chỉnh, cho phép nâng giới hạn làm thêm giờ để đáp ứng các yêu cầu riêng của các mô hình “3 tại chỗ”, “bong bóng sản xuất” cũng như đáp ứng nhu cầu trả đơn hàng đúng hạn sau thời gian dài sản xuất bị đình trệ… Các gói hỗ trợ duy trì và phục hồi kinh tế cũng phải đủ lớn và kịp thời để giúp doanh nghiệp nắm bắt được thời cơ phục hồi. “Cuộc chiến với Covid-19 chính là thách thức lớn nhất đối với cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp trong nỗ lực chung giữ vững vị thế, cơ đồ mà chúng ta đã nỗ lực gầy dựng. Trong cuộc chiến cam go, khốc liệt đó, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đồng lòng, quyết tâm cùng Chính phủ vượt qua đại dịch, duy trì và phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh” – ông Công khẳng định.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh lại thông tin Chính phủ đang xây dựng chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023 làm kim chỉ nam cho giai đoạn tới. Chính phủ đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trên tinh thần 3 không (không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm) và 5 thật (nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thành quả thật). “Với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước, sự đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, nhất là cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân, Việt Nam nhất định sẽ sớm chiến thắng được dịch bệnh” – Thủ tướng khẳng định.
Bảo Việt