Phát triển nông nghiệp hữu cơ – Cần thúc đẩy xây dựng ngân hàng gen quốc gia
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ, trong đó có nhiều cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, nhóm hộ sản xuất sản phẩm hữu cơ.
Cụ thể theo Nghị định 109, Chính phủ sẽ hỗ trợ 100% chi phí xác định các vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ; hỗ trợ một lần 100%chi phí cấp Giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ. Về hỗ trợ đào tạo, tập huấn sản xuất hữu cơ thì định mức hỗ trợ sẽ thực hiện theo quy định của Chính phủ về khuyến nông. Ngoài ra Chính phủ cũng hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam; định mức hỗ trợ chi phí giống kháng sâu bệnh, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học đối với mô hình trồng trọt; chi phí giống, thức ăn hữu cơ, thuốc thú y được phép sử dụng đối với mô hình chăn nuôi, thủy sản và chi phí nhân rộng mô hình theo quy định của Chính phủ về khuyến nông.
Bà Nguyễn Thị Phương Liên – Nông trại hữu cơ Tuệ Viên cho biết bao lâu nay Chính phủ chưa có bất cứ văn bản, quy định nào về nông nghiệp hữu cơ nên Nghị định 109 thực sự là một “cơn gió mát lành”. Nông trại hữu cơ Tuệ Viên đã làm nông nghiệp hữu cơ cách đây hơn 10 năm nhưng theo hướng tự mày mò, tự tìm hướng đi cho mình. Theo bà Liên, cái khó mà hầu hết người làm nông nghiệp hữu cơ đang vướng phải chính là tìm giống bản địa. Đặc biệt để khai thác được lợi thế vùng miền với giá trị đặc sắc, hương vị nguyên bản sản phẩm phụ thuộc rất lớn vào hạt giống.
Các giống lúa đặc sản được bảo tồn tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Lê Loan
Hiện nay người làm nông nghiệp hữu cơ phải lưu giữ hạt giống cho mùa vụ sau thay vì mua giống lai, năng suất cao trên thị trường. Nếu dùng hạt giống lai, rủi ro là không tương thích đa dạng sinh học, có thể phá vỡ môi trường sinh thái; trong khi đó nguồn gen giống quý bản địa của Việt Nam lại đang được lưu giữ và nghiên cứu trong các viện, trường… “Đó là lý do những người làm nông nghiệp hữu cơ như chúng tôi rất mong Chính phủ sẽ có chính sách phù hợp trong việc bảo tồn, tiếp cận nguồn gen bản địa. Mặc dù việc bảo tồn gen đã được thực hiện khá lâu xong điều đáng buồn là hầu hết đều nằm ở dạng đề tài, trong “hộc tủ” mà chưa được đưa vào thực tế để những người làm nông nghiệp hữu cơ có thể dễ dàng tiếp cận. Nếu không có quỹ hạt giống bản địa việc tái thiết hệ sinh thái sẽ gặp khó khăn. Bên cạnh đó cũng cần huy động sự tham gia của các nhà học cùng nghiên cứu để tìm ra được cặp cây nào có thể bổ trợ dinh dưỡng cho nhau, cặp nào không nên trồng cùng nhau để từ đó định hướng cho người làm nông nghiệp” – bà Liên cho hay.
Xoay quanh vấn đề tìm cặp cây phù hợp trong canh tác mà bà Liên vừa nêu ra, Giáo sư Trần Duy Quý – Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác khoa học kỹ thuật châu Á – Thái Bình Dương cho biết hiện nhiều viện nghiên cứu ở Việt Nam đã thử nghiệm các cặp cây bổ trợ tốt cho nhau, đơn cử như trồng ngô xen đậu tương; trồng mận hậu xen cà phê… ; thậm chí có những loại cỏ cũng hỗ trợ cho cây như cỏ trong vườn lạc giúp cố định đạm trong đất, che phủ những diện đất không canh tác để nuôi dưỡng hệ sinh thái. Điều này giải thích cho việc tại các khu vườn trồng theo phương pháp hữu cơ sẽ có nhiều loại rau được trồng xen lẫn nhau. Nhìn có vẻ manh mún những đều có chủ đích. Ngay cả trong trường hợp dịch bệnh bùng phát sẽ không ảnh hưởng toàn bộ khu vườn.
Rau hữu cơ được trồng xen canh. Ảnh: P.L
Theo Giáo sư, Viện sĩ Trần Đình Long – Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam, Việt Nam có nhiều giống cây quý hiếm, có một không hai. Hiện cả nước có khoảng 35.000 mẫu giống được lưu giữ tại hệ thống bảo tồn cây trồng quốc gia do Trung tâm Tài nguyên thực vật làm đầu mối. Các giống thuộc nhóm nguồn gen: Cây ngũ cốc, cây đậu đỗ, cây rau và gia vị, cây có củ, cây ăn quả và cây công nghiệp, cây thức ăn chăn nuôi và cây cải tạo đất, cây hoa, nấm ăn và nấm dược liệu. “Điều quan trọng là chúng ta cần bảo hộ bản quyền giống bản địa cũng như phát triển giống theo phương thức nông nghiệp hữu cơ để duy trì tính chất gốc. Bên cạnh đó cần thúc đẩy xây dựng một ngân hàng gen quốc gia, giúp doanh nghiệp cũng như người làm nông nghiệp dễ tiếp cận vì hiện nay ngân hàng gen các giống cây trồng của Việt Nam vẫn còn rất nghèo nàn” – Giáo sư, Viện sĩ Trần Đình Long nhấn mạnh.
Minh Đường