Phát triển ngành dịch vụ Logistics – Thách thức lớn đến nguồn nhân lực
Cùng với xu hướng toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ hiện đại, hoạt động logistics xuyên suốt từ sản xuất tới tiêu dùng ngày càng giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với năng lực cạnh tranh của các ngành sản xuất, dịch vụ và của toàn nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên sự phát triển của ngành này hiện đang phải đối mặt với không ít thách thức, nhất là về nguồn nhân lực vừa thiếu lại vừa yếu…
Nhân lực không theo kịp tốc độ phát triển “nóng” của ngành
Theo các chuyên gia kinh tế, ngành logistics Việt Nam đang phát triển “nóng”, tốc độ phát triển hàng năm trên 10%. Hiện nay logistics đang đóng góp vào GDP cả nước khoảng 5%, Chính phủ đã giao nhiệm vụ 2020-2030, logictics phải đóng góp 10%, gần tiệm cận với ngành du lịch.
Tiềm năng tăng trưởng như vậy song vấn đề nan giải nhất hiện nay của ngành logistics Việt Nam hiện nay chính là nguồn nhân lực. Do phát triển “nóng” nên nguồn nhân lực của ngành này vừa thiếu lại vừa yếu; khoảng chênh lệch về kiến thức nền tảng trong nhân sự của ngành vẫn còn hạn chế so với các nước trong khu vực. Khó khăn về nguồn nhân lực của ngành ngày càng càng được nhân lên khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN và tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Ngoài ra với những đổi thay liên tục, chuỗi cung ứng ngày càng trở nên phức tạp hơn đòi hỏi nhiều kỹ năng mới trong nhân sự ngành. Hiện nay nhân lực logistics ở Việt Nam chủ yếu được lấy từ các đại lý hãng tàu, các công ty giao nhận vận tải biển và sử dụng theo khả năng hiện có. Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển Tp.HCM về chất lượng nguồn nhân lực logistics cho thấy có đến 53,3% doanh nghiệp thiếu đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn và kiến thức về logistics, 30% doanh nghiệp phải đào tạo lại nhân viên và chỉ có 6,7% doanh nghiệp hài lòng với chuyên môn của nhân viên. Báo cáo của Hiệp hội Cung ứng toàn cầu cũng cho thấy chỉ có 38% lãnh đạo cấp quản trị các tập đoàn tự tin là đội ngũ cung ứng có được các kỹ năng cần thiết cho việc quản lý chuỗi cung ứng cho tương lai. Còn lại đa phần nhân sự ngành cung ứng hiện đang thiếu và yếu ở hai nhóm kỹ năng mang tính kỹ thuật và nhóm kỹ năng mang tính tương tác
Với hơn 30.000 doanh nghiệp logistics đang hoạt động, đến năm 2030, nhu cầu nhân lực của ngành logistics Việt Nam lên đến 2,2 triệu lao động. Trong khi đó số nhân sự hiện tại chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu nhân lực toàn ngành, điều này đồng nghĩa với ngành logistics Việt Nam sẽ thiếu đến 2 triệu lao động vào năm 2030. Đây thực sự là một thách thức không nhỏ của các doanh nghiệp trong ngành.
Các chuyên gia “hiến kế”
Theo khuyến nghị của các chuyên gia, để phát triển nguồn nhân lực hiệu quả cho ngành dịch vụ logistics Việt Nam, trước hết Chính phủ cần có định hướng rõ ràng hơn cho sự phát triển của ngành này; đồng thời tăng cường phối hợp giữa các bộ – ban – ngành có liên quan để có thể phân định khả năng và trách nhiệm mỗi bên trong phát triển nguồn nhân lực.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) – ông Đào Trọng Khoa nhận định cần có sự kết hợp giữa doanh nghiệp và nhà trường để cùng thiết kế ra chương trình đào tạo mang tính thực tiễn hơn. Song song đó phải có giải pháp đào tạo mang tính tập trung nhằm giảm bớt áp lực cho việc đào tạo lại trong doanh nghiệp. Hướng vào mục tiêu này, hiện VLA đang đẩy mạnh các hình thức đào tạo trên nền tảng e-learning, các khoá học trực tuyến mở.
Còn theo bà Quyên Nguyễn – Giám đốc Công ty Tư vấn CEL Consulting, để đáp ứng hiệu quả nhu cầu phát triển của ngành dịch vụ logistics, Việt Nam cần có một ngành học chuyên về logistics quản trị chuỗi cung ứng được đào tạo chính quy, bài bản và có hệ thống tại các trường đại học thì nguồn nhân lực mới được cung ứng một cách bền vững và có chất lượng. Về phía các doanh nghiệp cần có chính sách đào tạo và xây dựng đội ngũ nhân viên chính quy, bài bản để từ đó có thể phát huy được sức mạnh của nguồn nhân lực trong doanh nghiệp.
Ngọc Anh