Phát triển một ngành du lịch Việt Nam với thị trường nội địa bền vững

Đó là yêu cầu được ông Nguyễn Công Hoan – Tổng Giám đốc CTCP Flamingo Redtours, Trưởng Ban Truyền thông Hiệp hội Du lịch Việt Nam đặt ra tại Chương trình kích cầu du lịch vùng Tây Bắc

Theo ông Nguyễn Công Hoan, những phong trào kích cầu du lịch lớn gần đây như “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” đã có những tác động nhất định, tuy nhiên các doanh nghiệp du lịch khi khai thác khách Việt Nam không thể trông chờ vào tình yêu của du khách, vào sự cảm thông, đồng điệu mà yếu tố cốt lõi là phải xác định mục tiêu ngành du lịch chinh phục du khách Việt. Điều này đồng nghĩa với các doanh nghiệp du lịch cần thu hút khách Việt bằng những sản phẩm du lịch Việt Nam hấp dẫn, chứ không phải câu chuyện “giải cứu du lịch Việt” xuất phát từ việc chia sẻ khó khăn trong đại dịch Covid – 19.

Từ góc nhìn của Trưởng Ban Truyền thông Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ông Hoan cho biết sở dĩ du lịch Việt Nam chưa thật sự cuốn hút du khách nội địa là do giá cao, sản phẩm đơn điệu – dịch vụ kém, ý thức phục vụ chưa tốt. “Chúng tôi sẽ đa dạng hóa các sản phẩm du lịch để mọi người ai cũng có thể tiếp cận được. Người có khả năng chi trả thấp thì có sản phẩm du lịch tiết kiệm; người có khả năng chi trả cao sẽ có sản phẩm du lịch chất lượng cao với dịch vụ hấp dẫn… Làm sao để du khách không chỉ đi du lịch một lần mà còn muốn quay trở lại tiếp tục du lịch lần nữa. Đây là thời điểm vàng kích cầu du lịch, tới đây sẽ không còn là kích cầu nữa mà là thời điểm vàng phát triển du lịch nội địa. Tức không “kích” nữa mà phát triển với những mục tiêu về số lượng khách, số lượng sản phẩm du lịch, và đặc biệt là mục tiêu giá trị sản phẩm du lịch mà ngành du lịch cung cấp cho du khách Việt, để làm sao phát triển một ngành du lịch Việt Nam với thị trường nội địa bền vững, chứ không chỉ giới hạn trong năm nay khi chúng ta bị ảnh hưởng bởi Covid-19″ – Trưởng Ban Truyền thông Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho hay.

Cũng theo ông Hoan, mọi sự việc, mọi vấn đều phải nhìn với tầm nhìn dài hạn và ngành du lịch cũng không ngoại lệ. Ngay cả khi thị trường quốc tế phục hồi thì du khách Việt vẫn phải được quan tâm; sản phẩm dành cho du khách Việt vẫn phải là sản phẩm trọng điểm mà các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quan tâm và đầu tư một mức độ xứng đáng.

Khi các chương trình kích cầu du lịch được phát động, một lẽ dĩ nhiên là kích cầu sẽ giảm giá. Tuy nhiên đi kèm hiệu quả mang lại là không ít hệ lụy như: giảm giá kéo theo cuộc đua phá giá, hoặc vì giảm giá quá sâu mà khiến dòng tiền – huyết mạch của doanh nghiệp bị ảnh hưởng; xuất hiện tình trạng doanh nghiệp giảm giá thì giảm luôn cả chất lượng dịch vụ….

Theo bà Trần Nguyện – Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Sungroup, kích cầu thì đương nhiên sẽ giảm giá nhưng trên cơ sở vẫn giữ vững được chất lượng sản phẩm dịch vụ, tăng thêm giá trị, tăng thêm tiện ích cho khách hàng để họ dễ dàng cảm nhận được dù bỏ ra mức phí thấp hơn so với các năm trước song họ vẫn nhận về những giá trị tốt hơn.

“Chúng tôi nghĩ rằng để kích cầu, chúng ta phải thực sự có sự đầu tư vào sản phẩm. Mặc dù chúng ta đang rất khó khăn, bị tụt giảm doanh thu rất nhiều nhưng với tình hình hiện nay thì thật sự chúng ta chỉ có thể dựa vào khách nội địa. Chính vì vậy để thu hút đối tượng khách hàng này, yêu cầu đầu tiên là phải đảm yếu tố an toàn, tiếp theo là chính sách giá tốt, sản phẩm chất lượng. Nếu sản phẩm đơn điệu, trùng lắp và không thực sự hấp dẫn sẽ không thể tạo được động lực để thu hút khách hàng quay trở lại nhiều lần. Bản thân tôi cho rằng thời điểm khó khăn này, chúng ta cũng cùng gạt đi lợi ích cá nhân để kích cầu cho điểm đến nói chung, có như vậy mới thay đổi được một phần hậu Covid. Các doanh nghiệp làm du lịch cùng cam kết với việc hãy kích cầu giảm giá nhưng không phá giá, hay là kích cầu giảm giá nhưng phải tăng chất lượng dịch vụ, chứ không phải giảm chất lượng dịch vụ vì giá giảm” – bà Nguyện đề nghị.

Quang Toàn