Phát triển kinh tế tư nhân là động lực cơ bản của nền kinh tế trong giai đoạn mới
Những năm gần đây, lực lượng kinh tế tư nhân phát triển khá nhanh và mạnh, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Bước sang năm 2020, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu dự báo tiếp tục có nhiều biến động ảnh hưởng đến kinh tế trong nước, vai trò động lực của kinh tế tư nhân cần phải được đẩy mạnh hơn nữa gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu
Lạm phát và tăng trưởng kinh tế có mối quan hệ gắn liền với nhau và thông thường nếu chỉ số lạm phát càng lớn thì tăng trưởng thực của nền kinh tế sẽ giảm đi. Khép lại năm 2019, GDP trong nước ước đạt 7,02%, mức tăng trưởng này tuy thấp hơn mức tăng 7,08% của năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng của các năm từ 2011-2017; trong khi đó lạm phát ở mức 2,78%, thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Những con số này là minh chứng cho thấy tăng trưởng thực của nền kinh tế đã có bước tiến nhất định, thực chất và hiệu quả hơn. Đó chính là sự đổi mới về chất lượng tăng trưởng và hiệu quả của năng suất lao động. Điều này mang lại lợi ích cho nền kinh tế quốc dân và cải thiện đời sống của người dân tốt hơn những năm trước.
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp, Khoa Tài chính Quốc tế – Học viện Tài chính cho biết trong năm qua, Việt Nam cũng ghi dấu ấn trong hoạt động xuất nhập khẩu với kim ngạch đạt 517 tỷ USD. Bước sang năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt mục tiêu xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ đạt 300 tỷ USD và để “cán đích” mục tiêu này, nước ta cần phấn đấu tăng xuất khẩu thêm mấy chục tỷ USD, tương đương tốc độ tăng trưởng xuất khẩu phải đạt trên 10%. “Đây là một mục tiêu không hề dễ dàng và để làm được việc này, bản thân các doanh nghiệp trong nước phải đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả và giá trị của hàng hóa xuất khẩu. Điều cốt lõi là doanh nghiệp cần chú trọng đa dạng hóa thị trường, nhất là trong bối cảnh một số thị trường xuất khẩu truyền thống đã có những biện pháp cảnh báo về hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam” – PGS. TS Đinh Trọng Thịnh khuyến nghị.
Cũng theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, năm 2020 dự báo thương mại toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm. Chính vì vậy để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,8% mà Quốc hội đã đề ra, nước ta còn rất nhiều việc cần phải làm. Trong đó phải tập trung đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm tạo ra các động lực mới cho nền kinh tế; đặc biệt hướng vào việc sử dụng công nghệ mới, dây chuyền sản xuất mới tạo ra năng suất hiệu quả cao hơn; từ đó tạo ra năng lực lớn hơn cho nền kinh tế cũng như cho từng mặt hàng xuất khẩu.
Điều cần thiết là phải tạo ra được những “đầu tàu” để lôi kéo các doanh nghiệp Việt Nam vào những chuỗi sản xuất, kinh doanh, từ đó nâng cao giá trị của sản phẩm hàng hóa nội địa. Phải đặc biệt chú trọng đổi mới cơ cấu sản xuất theo hướng từ chiều rộng sang chiều sâu, vừa đảm bảo lạm phát thấp và an toàn trong phát triển kinh tế bền vững của đất nước. Trong đó phát triển kinh tế tư nhân cần được coi là động lực cơ bản trong giai đoạn tiếp theo; cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới môi trường kinh doanh nhằm giúp giảm thiểu cả chi phí chính thức và phi chính thức, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn các yêu cầu của quá trình quản lý và từ đó hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của năm 2020.
Xuân Vinh