Phát triển kinh tế số – Cần một hệ thống cơ chế, thể chế tương thích
“Phát triển một nền kinh tế số, dựa trên nền tảng sáng tạo công nghệ sẽ mang đến cho Việt Nam những cơ hội hoàn toàn mới, tuy nhiên cơ hội này lại phụ thuộc vào sự thay đổi cấu trúc toàn diện, thể chế để khơi không nguồn lực trong nền kinh tế cũng như người xử lý nguồn lực đó”…là nhận định của PGS.TS Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tại cuộc họp các thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng.
Trong cuộc họp, câu hỏi được các thành viên Tổ tư vấn đặt ra là: “Trong bối cảnh hiện tại, khi các yếu tố truyền thống đang đối mặt với thách thức từ dịch bệnh, liệu kinh tế số có thể góp sức để kéo tăng trưởng đi lên?”
Theo ông Trương Văn Phước – Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Q.Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, kinh tế số thực chất đã có từ lâu và chuyển đổi số không phải đột nhiên được đánh thức sau một giấc mơ. “Đừng nghĩ rằng Việt Nam đang say ngủ và Covid-19 khiến chúng ta tỉnh giấc. Để thúc đẩy kinh tế số phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, chúng ta cần hành động nhiều hơn nữa và cần lưu ý quá trình chuyển đổi sang kinh tế số của một quốc gia cần tương thích với cơ sở, thiết chế về mặt luật pháp của quốc gia. Đó là lý do Mobile Money – một trong những công cụ hữu hiệu để triển khai thành công chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt vẫn rất cần hạ tầng về luật pháp để phát triển”- ông Phước nhận định.
Trả lời câu hỏi được các thành viên Tổ tư vấn đặt ra, ông Phước cho rằng mặc dù kinh tế số giữ vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển song kỳ vọng lĩnh vực này sẽ tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm là không khả thi.
Còn theo TS Trần Đình Thiên, kinh tế số là một trong những lĩnh vực “sống tốt” cả trong và sau dịch Covid-19. Thời kỳ dịch bệnh hoành hành, người dân sẽ giảm việc đi chợ truyền thống vì lo ngại vấn đề lây nhiễm bệnh, kéo theo doanh thu tiêu dùng sẽ bị giảm. Tuy nhiên thông qua thương mại điện tử, việc mua hàng vẫn được duy trì bình thường. Thương mại điện tử và nhiều dịch vụ số khác sẽ phát triển mạnh hơn khi Covid-19 xuất hiện, kéo theo những thay đổi về cấu trúc thương mại và cơ cấu tiêu dùng. Đây thực sự là môi trường lý tưởng để thương mại điện tử nói riêng, các giao dịch điện tử nói chung tạo bước đột phá.
Dù đề cao vai trò của kinh tế số song TS Trần Đình Thiên cũng đồng tình với nhận định của ông Trương Văn Phước rằng kinh tế số khó đủ lực để kéo cả nền kinh tế đi lên trong những tháng cuối năm. Về mặt tương quan, trong đại dịch, kinh tế số chắc chắn sẽ hưởng lợi song kinh tế số với thương mại điện tử và thanh toán điện tử chỉ có thể giúp duy trì hoạt động bán lẻ không giảm nữa chứ khó lòng thúc đẩy việc tăng trưởng mạnh.
Để thúc đẩy kinh tế số phát triển, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khuyến nghị cần chú trọng xây dựng cơ chế vận hành phù hợp cho các nguồn lực về trí tuệ, công nghệ thông tin. “Chúng ta muốn phát triển kinh tế số thì điều cực kì quan trọng là phải có hệ thống cơ chế, thể chế tương thích.
Phát triển một nền kinh tế số, dựa trên nền tảng sáng tạo công nghệ sẽ mang đến cho Việt Nam những cơ hội hoàn toàn mới, tuy nhiên cơ hội này lại phụ thuộc nhiều vào sự thay đổi cấu trúc toàn diện, thể chế để khơi không nguồn lực trong nền kinh tế cũng như người xử lý nguồn lực đó” – ông Thiên nhấn mạnh.
Hoàng Na