Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành da giày – Bài toán khó đang cần lời giải
Bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành da giày Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, trong đó sự yếu kém trong khâu sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào đã kìm hãm sự phát triển của toàn ngành. Đây cũng là bài toán khó đòi hỏi ngành da giày trong nước phải sớm tìm ra lời giải, nếu muốn tận dụng hiệu quả cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam ký kết.
Thời điểm dịch bệnh Covid – 19 hoành hành, trong cơn khủng hoảng về nguyên phụ liệu, một số doanh nghiệp ngành da giày đã mạnh dạn tìm lối đi riêng, điển hình như Công ty CP Tập đoàn Gia Định. Để ứng phó với tình hình đứt gãy nguồn cung nguyên liệu do ảnh hưởng của đại dịch, Công ty Gia Định đã chủ động đầu tư một số xưởng để sản xuất nguyên phụ liệu trong nước thay thế; đồng thời thành lập các cụm công nghiệp để thu hút doanh nghiệp đầu tư cho ngành nguyên phụ liệu
Tuy nhiên những doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính để tự sản xuất nguyên phụ liệu thay thế như giày Gia Định không nhiều. Thống kê cho thấy tại Việt Nam, ngành nguyên phụ liệu nói chung mới chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu nguyên phụ liệu sản xuất của ngành da giày, nguyên nhân là do ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho ngành này phát triển chưa tương xứng. Cụ thể nguyên phụ liệu cho ngành da giày mới chỉ tập trung cho dòng sản phẩm trung bình và trung bình khá; đối với nguyên phụ liệu cao cấp vẫn phải nhập khẩu góp phần kéo giảm giá trị gia tăng của ngành.
Có thể thấy bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, sản phẩm da giày cần phải đáp ứng quy định hàm lượng xuất xứ nguyên liệu, chính vì vậy công nghiệp hỗ trợ nội địa vẫn là lĩnh vực cần được tập trung phát triển nếu ngành da giày muốn tận dụng hiệu quả cơ hội từ các FTA để bứt phá đi lên. Theo ông Nguyễn Đức Thuấn – Chủ tịch Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (LEFASO, từ nhiều năm nay phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành da giày luôn là vấn đề cấp thiết song Việt Nam vẫn chưa tìm được lời giải cho bài toán khó này. Mặc dù các nhà sản xuất công nghiệp phụ trợ trong nước rất nhiều song điều cốt lõi là Việt Nam vẫn chưa có các trung tâm tập trung; cụ thể ở đây là các trung tâm triển lãm, các chợ đầu mối nguyên phụ liệu bao gồm các hoạt động logistics, thương mại để các doanh nghiệp đến trưng bày thành phẩm, công nghệ, nguyên phụ liệu.
Còn theo ông Nguyễn Chí Trung – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Gia Định, để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ vững mạnh, Nhà nước cần có sự hỗ trợ về tài chính cho doanh nghiệp; cụ thể là ưu đãi cho vay tài chính hoặc giảm thuế. Trong đó vấn đề giảm thuế cho doanh nghiệp đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ đóng vai trò rất quan trọng bởi nó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm giá thành sản phẩm, qua đó giúp sản phẩm da giày Việt Nam có thể cạnh tranh ngang ngửa với các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc cũng như các nước khác.
Ghi nhận đề xuất của các hiệp hội, ngành hàng về chính sách hỗ trợ cho ngành da giày phát triển công nghiệp hỗ trợ, ông Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết hiện Bộ Công Thương đang trong quá trình xây dựng Dự thảo sửa đổi Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ để phù hợp thực tế cũng như bổ sung danh mục công nghiệp hỗ trợ phù hợp với xu thế hơn; trong đó sẽ chú trọng xây dựng các chính sách ưu đãi về cho vay tài chính hoặc giảm thuế. Cụ thể Dự thảo có thể đưa vào đề xuất việc hỗ trợ 50% tối đa mức vay tín dụng khi đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn phục vụ đầu tư phát triển
Minh Anh