Phát triển công nghệ kỹ thuật số – Đòn bẩy tăng trưởng của thị trường logistics thương mại điện tử
Báo cáo thị trường logistics thương mại điện tử của Research and Markets cho thấy từ khi dịch bệnh Covid – 19 bùng phát đến nay, thị trường logistics thương mại điện tử đã có sự phát triển vượt bậc và tạo ra những xu hướng tiêu dùng mới. Đặc biệt trong năm 2022, thị trường này được dự báo đạt 568,85 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 19,4% và đến năm 2026 dự báo sẽ đạt mức 1.163,56 tỷ USD, tốc độ CAGR 19,6%.

Logistics trong thương mại điện tử đề cập đến các quy trình liên quan đến việc lưu trữ và vận chuyển hàng tồn kho cho một cửa hàng hoặc thị trường trực tuyến, bao gồm: quản lý hàng tồn kho, lưu kho, đóng gói, dán nhãn, vận chuyển, thu tiền thanh toán, trả lại và trao đổi các sản phẩm đã giao. Logistics thương mại điện tử chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thời trang, ôtô, điện tử tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe, công nghệ… Địa bàn hoạt động của các công ty trong ngành này gồm cả phạm vi trong nước lẫn quốc tế, giao hàng thông qua hình thức giao tiêu chuẩn và giao trong ngày. Với rất nhiều gói hàng được vận chuyển trên khắp đất nước vào bất kỳ ngày nào, điều quan trọng là hệ thống quản lý phải vận hành thông suốt để điều tiết các đơn hàng đi đúng hướng và đảm bảo chúng được giao đến đúng địa chỉ, đúng thời gian.
Các khu vực được đề cập trong báo cáo thị trường logistics thương mại điện tử của Research and Markets bao gồm châu Á – Thái Bình Dương, Tây Âu, Đông Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Trung Đông và châu Phi. Trong đó châu Á – Thái Bình Dương là khu vực lớn nhất trong thị trường logistics thương mại điện tử năm 2021.
Công nghệ kỹ thuật số trong ngành logistics thương mại điện tử bao gồm công cụ điện tử, hệ thống tự động, thiết bị công nghệ và tài nguyên tạo ra các quy trình hoặc lưu trữ dữ liệu. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ kỹ thuật số kỳ vọng sẽ trở thành bệ phóng thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường logistics thương mại điện tử trong tương lai bởi sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số khuyến khích người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn, tăng lượng lớn hàng hóa thương mại điện tử, từ đó tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics thương mại điện tử để vận chuyển các sản phẩm liên quan.
Báo cáo của Zippy Electric – một nền tảng nội dung trực tuyến dành cho xe điện có trụ sở tại Mỹ cho thấy vào tháng 1/2021, số người sử dụng internet trên toàn thế giới đạt 4,6 tỷ người, tăng 316 triệu người (7,3%) so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 59% dân số thế giới. Sự bùng phát Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến số lượng người dùng internet, vì vậy con số thực tế có thể cao hơn.
Hiện thế giới có tổng số gần 1,8 tỷ trang web và cứ bình quân 1 phút lại có hơn 570 trang web được tạo ra. Đứng đầu ngành này không ai khác chính là “ông lớn” Google với 1.200 lượt tìm kiếm mỗi năm và hơn 3,5 tỷ lượt truy cập mỗi ngày.
Chung quy lại sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số đang thúc đẩy thị trường logistics thương mại điện tử. Các công ty lớn đang tích hợp các công nghệ tiên tiến như blockchain, tự động hóa và các công nghệ đã được cấp bằng sáng chế để cung cấp thông tin chi tiết, đảm bảo vận hành an toàn và mang đến cho người tiêu dùng những trải nghiệm thú vị nhất. Đặc biệt công nghệ blockchain và tự động hóa còn giúp tiết giảm chi phí và thời gian giao hàng cho các công ty nên triển vọng phát triển trong tương lai là rất lớn
Thành Quốc