Phân khúc bán lẻ hàng hóa vẫn giữ đà tăng trưởng
Ngày 30/6, tại Hà Nội, Tổ Điều hành thị trường trong nước đã họp phiên thường kỳ tháng 6 nhằm đánh giá cung cầu, nhận định thị trường các mặt hàng thiết yếu trong thời gian vừa qua, đưa ra đề xuất kiến nghị nhằm đảm bảo cân đối cung cầu và bình ổn thị trường những tháng cuối năm.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) – đánh giá, thị trường hàng hóa thế giới trong tháng 6 tiếp tục có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế, chính trị. Nhìn chung, hầu hết giá hàng hóa thiết yếu trên thị trường thế giới trong tháng 6 có xu hướng tăng giá. Tuy nhiên, tính chung 6 tháng đầu năm 2020, giá cả nhiều nhóm hàng hóa thiết yếu có biến động giảm giá, nhất là từ tháng 2 đến tháng 4 do dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên thế giới; từ tháng 5 và tháng 6, giá nhiều hàng hóa phục hồi trở lại.
Tại thị trường trong nước, tháng 6, dịch Covid-19 tại Việt Nam vẫn đang được kiểm soát tốt, hoạt động sản xuất kinh doanh và các hoạt động mua bán hàng hóa trên thị trường tiếp tục duy trì trong trạng thái bình thường mới. Cung cầu các mặt hàng thiết yếu, giá cả không có biến động bất thường. Riêng mặt hàng thịt lợn vẫn ở mức cao do nguồn cung giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Giá xăng dầu trong nước chịu ảnh hưởng của giá thế giới nên tiếp tục điều chỉnh tăng nhưng được liên Bộ Công Thương – Tài chính điều hành với mức tăng thấp hơn mức biến động của thế giới.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, thị trường các mặt hàng nông sản thiết yếu nhìn chung ổn định, giá cả không có biến động lớn, cung cầu được đảm bảo. Riêng mặt hàng thịt lợn, giá bán trên thị trường có thời điểm giảm nhẹ nhưng sau đó lại tăng trở lại và ở mức cao. Nguồn cung nguyên vật liệu, năng lượng luôn được đảm bảo, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng. Riêng mặt hàng xăng dầu, trong tháng 5, khi nhu cầu sử dụng tại thị trường nội địa tăng mạnh, nguồn cung trong nước sụt giảm do các nhà máy lọc dầu trong nước và quốc tế cắt giảm công suất, thực hiện bảo dưỡng, dẫn đến có hiện tượng một số cửa hàng xăng dầu thiếu hàng cục bộ. Trước tình hình trên, Bộ Công Thương đã kịp thời có văn bản chỉ đạo điều hành doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu bảo đảm nguồn hàng liên tục cho thị trường.
Trước những tác động tình hình thế giới và trong nước, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 6/2020 đạt 424.120 tỷ đồng, tăng 6,06% so với tháng trước và tăng 3,66% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất là nhóm bán lẻ hàng hóa đạt 336,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,7% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 2.358.280 tỷ đồng, giảm 1,78% so với cùng kỳ năm 2019, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 6,22% (cùng kỳ năm 2019 tăng 8,66%).
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng ước tính đạt 1.895,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 80,6% tổng mức và tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm lương thực thực phẩm và đồ dùng thiết bị gia đình vẫn duy trì được mức tăng (tương ứng 7,04 và 5,01%). Các nhóm may mặc, văn hóa phẩm, phương tiện đi lại vẫn giảm so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu du lịch lữ hành đạt 9.460 tỷ đồng, chiếm 0,4% tổng mức và giảm 56,8% so với cùng kỳ năm trước do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên toàn cầu.
Ước kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6 đạt 21 tỷ USD, tăng 9,5% so với tháng trước do kim ngạch của nhóm có tỷ trọng lớn là hàng công nghiệp chế biến tăng 10,55% với mức tăng kim ngạch của nhiều nhóm hàng như máy vi tính, thiế bị điện tử, điện thoại, máy móc thiết bị. Ước kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2020 đạt 121,212 tỷ USD, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó mức tăng chủ yếu nhờ hàng hóa khác (tăng 13,9%), trong khi các nhóm hàng còn lại đều giảm do gặp khó khăn trong việc xuất khẩu do bối cảnh dịch Covid-19.
Về nhập khẩu, ước tháng 6/2020 là 20,55 tỷ USD, tăng 12,8% so với tháng trước. Ước nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2020 đạt 117,174 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ. Như vậy, 6 tháng đầu năm cán cân thương mại ở trạng thái xuất siêu là khoảng 4,038 tỷ USD.
Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI), tháng 6 tăng 0,66% so với tháng 5 do giá xăng có 2 đợt điều chỉnh tăng giá với mức tăng 12,24% và giá thịt lợn bình quân tháng 6 vẫn tăng 3,36% so với tháng trước. Bình quân CPI 6 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2020 tăng 4,19%, mặc dù mức tăng đã giảm nhưng vẫn cao hơn mức Quốc hội giao (dưới 4%).
Ông Trần Duy Đông cho hay, hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước đang dần hồi phục, chuẩn bị vào mùa du lịch (sau khi học sinh được nghỉ hè) nhu cầu hàng hóa dịch vụ sẽ tăng trở lại, tuy nhiên, do ảnh hưởng của giai đoạn dịch bệnh nên thu nhập của người dân giảm, sức mua sẽ không tăng mạnh, nguồn cung hàng hóa thiết yếu vẫn được bảo đảm, giá sẽ không tăng đột biến.
Nhằm đảm bảo cân đối cung cầu và bình ổn thị trường 6 tháng cuối năm, Tổ Điều hành thị trường trong nước kiến nghị, hiện, việc nhập khẩu thịt lợn giúp tăng nguồn cung cho thị trường được thực hiện thông qua việc nhập khẩu lợn đông lạnh và lợn sống. Để bảo đảm đáp ứng số lượng và chất lượng thịt lợn nhập khẩu, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tạo điều kiện về thủ tục kiểm dịch động vật cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn nhằm giảm thời gian thực hiện thủ tục hàng chính khi nhập khẩu; giám sát chặt chẽ công tác nhập khẩu lợn sống do tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh, hành vi gian lận thương mại bên cạnh việc giảm áp lực nguồn cung trong nước.
Trong khi đó, đối với mặt hàng xăng dầu, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam kiến nghị Chính phủ cho phép giãn thời gian nộp các khoản thuế liên quan đến kinh doanh xăng dầu cho doanh nghiệp đầu mối tới 60 ngày; ban hàng quy định, hướng dẫn xử lý chênh lệch thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng E5 RON92 phù hợp với thực tế và đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp. Đối với mặt hàng phân bón, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam kiến nghị Chính phủ điều chỉnh, sửa đổi các quy định trong Luật Thuế 71/2020/QH13 để mặt hàng phân bón thuộc danh mục mặt hàng chịu thuế VAT 0% hoặc 5%.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, mặc dù Việt Nam đã chuyển sang trạng thái bình thường mới, kinh tế trong nước đã có khởi sắc nhất định nhưng thị trường ngoài nước vẫn có những diễn biến phức tạp ảnh hưởng của tình hình chung tới hoạt động xuất nhập khẩu và các hoạt động khác. Do đó, tình hình thị trường hàng hóa trong nước mặc dù đã có những chuyển biến nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.
Về phía Bộ Công Thương, sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại. Phối hợp với các địa phương triển khai các chương trình kích cầu nội địa, chương trình khuyến mại tập trung nhằm kích thích tiêu dùng và hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước. “Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác điều hành thị trường, giá cả các hàng hóa do nhà nước quản lý; phối hợp trong công tác thông tin truyền thông nhằm tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành của nhà nước và bình ổn thị trường hàng hóa”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Duy Anh