Phải “gánh” chi phí và trách nhiệm triển khai hộ chiếu vaccine, các hãng hàng không EU lên tiếng phản đối

Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ phát hành phiên bản hộ chiếu vaccine của riêng mình hay còn gọi là “Chứng nhận xanh kỹ thuật số” (Digital Green Certificate). Mặc dù rất hy vọng hộ chiếu vaccine sẽ thúc đẩy du lịch khắp khối phục hồi và phát triển trở lại song các hãng hàng không vẫn lên tiếng phản đối việc EU bắt họ chịu một số chi phí và trách nhiệm triển khai hộ chiếu vaccine.

Ngoài ra các hãng hàng không cũng phản đối đề xuất quét mã vạch tại các sân bay bởi điều này có thể kéo dài thời gian chờ đợi của hành khách khi làm thủ tục. Thời gian qua những hàng người xếp dài để chờ đợi kiểm tra sức khỏe trước khi bay đã khiến nhiều sân bay trở nên quá tải.

Theo kế hoạch, EU đang thiết lập một hệ thống tương tự như cách họ triển khai chính sách thị thực với người nhập cảnh từ bên ngoài khối. Trong đó lực lượng biên phòng có trách nhiệm kiểm tra thị thực, về phía các hãng hàng không sẽ phối hợp với lực lượng biên phòng kiểm soát lại xem hành khách có đúng thị thực trước khi họ lên máy bay hay không. Nếu để một du khách hạ cánh xuống một quốc gia mà không có thị thực thích hợp, các hãng hàng không sẽ bị phạt tới 10.000 Euro (tương đương 11.700 USD).

Theo phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu – ông Johannes Bahrke, hiện đề xuất hộ chiếu vaccine đang chờ sự phê chuẩn chính thức từ Nghị viện châu Âu và sẽ chính thức triển khai vào tháng 6/2021. Ủy ban châu Âu và các quốc gia thành viên đã bắt đầu công việc phát triển hệ thống, bao gồm cả việc ký kết hợp đồng vào cuối tháng 3 để tiến hành công việc kỹ thuật.

Ông Johannes Bahrke cho biết Ủy ban châu Âu đã đề xuất chi 49 triệu USD để xây dựng một cổng kỹ thuật trung tâm cho các chính phủ thành viên kết nối dữ liệu hộ chiếu vaccine với Ủy ban châu Âu. Theo đó tại một số quốc gia thành viên, các nhân viên chính phủ sẽ được giao nhiệm vụ kiểm tra hộ chiếu vaccine. Tuy nhiên ở một số quốc gia khác, trách nhiệm này có thể thuộc về các hãng hàng không. Mỗi nước cũng sẽ tự quyết định mức phạt khi các hãng hàng không kiểm tra sai sót hộ chiếu vaccine của khách.

Tuy nhiên các hãng hàng không đều lên tiếng phản đối quy định này và nhấn mạnh rằng khi được giao nhiệm vụ kiểm tra hộ hiếu vaccine của hành khách, họ không thể “gánh” thêm chi phí bị phạt hoặc các chi phí bổ sung khác. Theo ước tính của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, từ tháng 3 đến tháng 12/2020, các hãng hàng không đã tiêu tốn 140 tỷ USD tiền mặt và dự báo sẽ mất thêm 95 tỷ USD trong năm 2021 này. Còn theo dự tính của các quan chức EU, mọi chi phí mới sẽ do tất cả hãng hàng không hoạt động ở các sân bay châu Âu (không chỉ các hãng châu Âu) chi trả.

Hiện tại vẫn chưa xác định cụ thể chi phí của hệ thống là bao nhiêu song các hãng hàng không đều bày tỏ sự quan ngại rằng bên cạnh rủi ro bị phạt tiền nếu có sai sót, họ còn phải “gánh” thêm chi phí bổ sung nhân viên và thiết bị để vận hành hệ thống, cùng với đó là chi phí tích hợp hệ thống này vào cơ sở hạ tầng hiện có.

Về phía Trung Quốc, Nhật Bản, Đan Mạch và Israel đang xúc tiến triển khai hệ thống hộ chiếu vaccine độc lập. Để hỗ trợ các hộ chiếu vaccine, Tổ chức Y tế Thế giới đang làm việc với Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế của Liên hợp quốc để phát triển một cấu trúc quy mô toàn cầu.

Đối với châu Âu, việc cấp hộ chiếu vaccine giữ vai trò vô cùng quan trọng nhằm khôi phục quyền tự do đi lại trong khối – một trong những nguyên lý sáng lập của EU. Một hệ thống có thể xác minh tình trạng tiêm chủng của hành khách sẽ giúp họ tiết kiệm đáng kể chi phí làm các xét nghiệm Covid-19 tư nhân (khoảng 200 USD/lần và phải tiến hành 2 lần) vốn được yêu cầu để nhập cảnh vào nhiều quốc gia.

Hiện ngành công nghiệp hàng không và Ủy ban châu Âu đang nỗ lực thiết lập khuôn khổ rộng hơn cho hệ thống hộ chiếu vaccine vào mùa hè này. Bước đầu tiên là chuẩn giấy xác nhận được phát cho người dân sau khi họ đã được tiêm chủng.  Sau khi hệ thống hộ chiếu vaccine được triển khai thành công, Ủy ban châu Âu sẽ mở rộng hệ thống này cho các công dân không thuộc EU. Tùy thuộc vào các thỏa thuận song phương, một hành khách đến – ví dụ từ Mỹ – có thể nhận được giấy xác nhận và mã vạch khi đến khối, sau đó có thể được sử dụng để đi lại giữa các quốc gia châu Âu.

Hoàng Anh