OCB kiểm soát chi phí hiệu quả, dấu ấn ngân hàng số chuẩn bị lên sàn Hose

Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) tiếp tục khả quan trong bối cảnh ngân hàng vẫn ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó đại dịch COVID-19. Đồng thời, OCB ghi những dấu ấn mạnh mẽ khi tiếp tục kiểm soát tốt chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh…

Năm 2020 dự báo nhiều khó khăn, OCB đã xác định phát triển kinh doanh an toàn, song song đó, vẫn đánh dấu những bước đi ấn tượng ở mảng ngân hàng số OCB OMNI, Ngân hàng Aozora (AOZ) Nhật Bản trở thành cổ đông chiến lược và hoàn tất việc nộp hồ sơ, chuẩn bị niêm yết lên sàn chứng khoán.

Báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2020 vừa được OCB công bố cho thấy, tính đến thời điểm 30.9.2020, tổng tài sản của OCB đạt 132.992 tỉ đồng, tăng 13% so với cuối năm ngoái và tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, vốn chủ sở hữu của OCB tiếp tục tăng mạnh khi đạt 15.913 tỉ đồng, tăng tới 52% so với cùng kỳ năm 2019.

Huy động vốn trên thị trường 1 đạt 96.375 tỉ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2019; dư nợ cho vay trên thị trường 1 bao gồm cả trái phiếu doanh nghiệp đạt 81.510 tỉ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2019.

Một chỉ tiêu nổi bật của OCB trong 9 tháng qua là chỉ số CIR (tỷ lệ chi phí trên thu nhập) tiếp tục giảm xuống còn 31,8% so với mức 37% hồi cuối năm ngoái. Với việc chỉ số CIR liên tục được cải thiện cho thấy năng suất lao động ngày một cao hơn và hiệu quả quản lý chi phí hoạt động ngày một tốt hơn. Với mức 31,8%, có thể nói chỉ số CIR của OCB hiện tại đang nằm trong nhóm các ngân hàng thương mại kiểm soát tốt chi phí hoạt động hàng đầu thị trường.

Thực tế, OCB tiếp tục kiểm soát tốt chi phí hoạt động trên cơ sở tối ưu hoá chi phí, đầu tư sớm về công nghệ và đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho hệ thống…Theo đại diện OCB, công tác nhân sự và đào tạo luôn là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển của ngân hàng, đặc biệt trong xu hướng công nghệ số như hiện nay nhằm giúp nâng cao năng lực cán bộ nhân viên, gia tăng năng suất lao động.

“Thời gian tới, ngân hàng sẽ tiếp tục đầu tư vào công nghệ để tối ưu hoá trải nghiệm dịch vụ công nghệ số cho khách hàng, đồng thời giảm thiểu chi phí vận hành cho ngân hàng” – đại diện OCB nói.

Mới đây, OCB đã được Hội đồng Thương hiệu Quốc gia và Bộ Công Thương công nhận đạt danh hiệu “Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2020”.

Là một trong những ngân hàng tiên phong về số hóa trong hệ thống, đặc biệt là sản phẩm OCB OMNI, trong 9 tháng qua, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt qua kênh ngân hàng số của OCB tiếp tục đạt mức tăng trưởng ấn tượng.

Chỉ riêng 9 tháng đầu năm, số lượng đăng ký sử dụng ngân hàng số OCB OMNI đạt hơn 1,2 triệu khách hàng, tăng trưởng gấp đôi cả về số lượng và giá trị so với cùng kỳ 2019. Riêng trong tháng 9.2020, giao dịch online đạt gần 3 lần về số lượng và 2 lần về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

OCB cũng đã giới thiệu phiên bản ứng dụng ngân hàng số OCB OMNI 2.0 với giao diện hoàn toàn mới vào ngày 15.10 vừa qua, bổ sung nhiều tính năng “cá nhân hóa” nâng cao trải nghiệm người dùng.

Với những kết quả tích cực trong công tác huy động vốn và tăng trưởng tín dụng, tổng doanh thu thuần của ngân hàng đến nay đạt 5.054 tỉ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế ở mức 2.507 tỉ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ 2019.

Trước đó, tốc độ tăng trưởng kép (CARG) của OCB từ năm 2016 – 2019 đạt trên 88%. Trong vòng 5 năm qua, quy mô ngân hàng đã tăng trưởng vượt bậc khi tổng tài sản tăng 140%, vốn điều lệ tăng 122%, vốn chủ sở hữu tăng 172%.

Bước đi tiếp theo được cổ đông, nhà đầu tư và thị trường kỳ vọng thời gian qua của OCB là niêm yết chính thức trên sàn giao dịch chứng khoán. HoSE vừa có văn bản xác nhận đã nhận hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu của OCB. Số lượng cổ phiếu đăng ký niêm yết là hơn 876,7 triệu cổ phiếu, tương ứng với vốn điều lệ của OCB 8.767 tỉ đồng.

OCB cũng hoàn tất thương vụ bán 15% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược là Ngân hàng Aozora (AOZ, Nhật Bản). Hai ngân hàng cũng đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược, AOZ cam kết đầu tư lâu dài tại OCB qua việc cử các chuyên gia tham gia vào hoạt động quản trị và điều hành, hỗ trợ phát triển kinh doanh, hỗ trợ các hoạt động bán lẻ, quản lý rủi ro, nâng cao công nghệ, ngân hàng số. Đồng thời liên kết cung cấp dịch vụ tài chính cho các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại thị trường Việt Nam.

Đầu tháng 10, OCB đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 8.767 tỉ đồng lên 10.959 tỉ đồng từ việc chia cổ tức. Đây là thông tin tích cực được các cổ đông quan tâm và là tiền đề để ngân hàng triển khai việc đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán.

Như Quỳnh