Ốc viết dày đặc biển Bình Đại, bắt hoài không hết
Những con ốc biển vượt hàng hải lý, theo thủy triều trôi dạt vào bờ, kẹt lại và chết đi ở Bình Đại, trở thành đê chắn sóng. Và hành trình ấy cứ đều đặn lặp lại vào mùa gió chướng năm sau.
1. Hàng năm, vào mùa gió chướng, từ tháng 9 âm lịch năm trước đến tháng 3 âm lịch năm sau, bờ biển Thới Thuận (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) được phủ kín bởi hàng triệu con ốc viết. Ông Huỳnh Văn Dũng, một ngư dân gắn bó gần cả đời mình với biển bảo rằng, hiện tượng kỳ lạ này xuất hiện từ vài chục năm qua, từ thuở những cư dân đầu tiên đặt chân đến nơi này. “Bình thường không phát hiện chúng sống ở gần bờ, nhưng đến mùa thì nhiều vô số kể, có thể chúng vượt hành trình hàng hải lý mới đến được đây. Ốc dài, có đầu nhọn tựa cây viết nên dân địa phương gọi là ốc viết” – ông Dũng nói.
Những con ốc với nhiều màu sắc khác nhau, từ trắng đục đến màu nâu, đỏ vàng, từ to bằng ngón chân, dài 7-8cm đến bé li ti như đầu chân nhang. Sau một hành trình dài rã rời, chúng bị mắc kẹt lại bờ biển, phơi mình dưới nắng rồi chết đi, xác chúng trải dài suốt 7km bờ biển xã Thới Thuận. Lúc bình minh và khi chiều sắp tắt nắng, những chiếc vỏ chấp chới theo từng con sóng, ánh lên lấp lánh như thủy tinh. Những con ốc khác may mắn hơn, bị sóng cuốn trôi dạt vào các vịnh nước nhỏ, ẩn mình dưới bóng mát của hàng dương, hàng đước chắn sóng. Và đấy là thời điểm những ngư dân địa phương canh thủy triều giữa khuya rút, dùng đèn pin soi bắt ốc.
“Ốc còn sống nằm lẫn với vỏ ốc, điểm phân biệt duy nhất là ốc sống nằm dựng đứng vỏ. Mỗi đêm chúng tôi bắt khoảng chục kg, mỗi kg từ 6.000-12.000 đồng, cũng đủ trang trải cho một ngày” – anh Nguyễn Văn Minh, một ngư dân sống bằng nghề bắt ốc chia sẻ.
Những con ốc viết vừa làm đê chắn sóng, vừa là kế sinh nhai của người dân
2. Bãi biển phù sa trải dài gần 30km ở Bình Đại ngoài hơn 3.000ha sân nghêu, hàng trăm nhà dân cùng những chòi canh nghêu tạm bợ đúng nghĩa là nơi hoang sơ bởi chưa có hoạt động du lịch. Một ngày ở nơi này bắt đầu với tiếng kêu gần như vô thanh của những con nhạn biển bé xíu trước sóng biển vỗ ầm ầm mùa gió chướng.
Bầy nhạn dùng chiếc mỏ mảnh khảnh mổ những con bọ biển hay phiêu sinh nấp dưới đám vỏ, rồi chợt liệng cánh ra biển khi phát hiện tốp xe máy của nhóm ngư dân đang vào khu vực hợp tác xã cào nghêu. Thỉnh thoảng, những chiếc xe của ngư dân phải dừng lại vì thủng ruột do đuôi nhọn của vỏ ốc găm vào nhưng sự phiền toái này có nghĩa lý gì so với những lợi ích mà đám vỏ ốc mang lại.
Theo từng đợt sóng, gió, vỏ ốc bị dạt vào bờ hơn chục mét, nằm dưới chân đê biển, phía sau là hàng dương và rừng đước. Ngày này qua ngày khác, năm này đến năm sau, hàng triệu mảnh vỏ xếp chồng lên nhau. Gió như người thợ xây mang cát bồi lắp và cùng với rễ dây hoa muống biển đan vào, tạo thành lớp thành trì bảo vệ đầu tiên.
3. Chúng tôi đẩy xe máy vượt qua con đê cao hơn 2 mét được xây bằng vỏ ốc, băng qua những đụn cát nhỏ, hoa muống dại vương đầy dưới chân để vào một chòi canh nghêu của biên phòng. Người cán bộ biên phòng nói với chúng tôi, một thanh niên địa phương hiền lành, một lão ngư dân vui vẻ có thể nói chuyện với bạn suốt cả ngày, nhưng vào ban đêm, họ trở thành những người rất khác. Trong đêm tối, hàng chục và có khi là hàng trăm con người nai nịt gọn gàng, bên hông mang theo chiếc túi nhỏ cùng với cái cào sắt lẳng lặng đi dọc bờ biển. Họ không bắt ốc viết. Họ trộm nghêu.
Với 2 hợp tác xã sân nghêu đang vào mùa thu hoạch, việc canh giữ tài sản là cần thiết trước vấn nạn “nghêu tặc” lộng hành từ suốt nhiều năm qua. Hàng chục cuộc rượt đuổi vẫn thường diễn ra vào buổi đêm, và khi bị bắt được, những ngư dân da rám nắng, những anh Ba, chú Bảy mắt sâu hoắm, miệng cười bẽn lẽn, trong khi tay còn cầm tang vật có khi chỉ là vài kg nghêu, giá chưa đến 100.000 đồng.
Bữa cơm tối ở chòi canh nghêu đạm bạc với rau sâm biển nấu với rổ nghêu thịt vừa bắt ở bãi, cùng chút nước ngọt từ cái ao mới đào cạnh chòi và vài con cá biển khô. Gió lúc này bớt hẳn nhưng vừa ăn, chúng tôi vừa phải dụi mắt, lâu lâu lại phải dừng đũa vì cát bay vào chén. Người gác chòi cho hay ở đây không chỉ có ốc “chạy”, mà người cũng phải chạy trước cát biển. Những cái trụ gỗ từ căn chòi cũ hai, ba năm trước cách căn chòi mới hàng chục mét là bằng chứng cụ thể việc biển đang gặm vào đất liền.
Dĩ nhiên không thể bao biện cho hành vi phạm pháp nhưng ngoài biển ra, phải chăng còn có thứ gì đó rất khác, đã xâm thực, đã khiến những người ngư dân cả đời chân chất bỗng trở thành những bóng đen, mỗi đêm lẳng lặng cào xới đi sự tử tế tự ngàn đời vốn có của mình.
[elementor-template id=”16904″]