Nước nào có thời gian làm việc ít nhất thế giới?
Hà Lan là nền kinh tế lớn thứ 6 trong Liên minh châu Âu, GDP bình quân đầu người đạt hơn 50.000 USD (1,1 tỷ VND), lọt top 12 toàn cầu. Tuy nhiên, nơi đây lại được mệnh danh là “quốc gia không thích làm việc”, bởi thời gian làm việc trung bình của người dân Hà Lan chỉ có…5 tiếng/ngày.
Hà Lan là quốc gia có số giờ làm việc theo tuần ít nhất thế giới
“Quốc gia không thích làm việc”
Người lao động Mỹ có số giờ làm việc trung bình một tuần là 38 tiếng, đó là số giờ làm việc bình thường ở các nước công nghiệp hóa hiện đại. Vậy còn có quốc gia phát triển nào có số giờ làm việc ít hơn hay không?
Đứng đầu trong danh sách các quốc gia làm việc ít nhất thế giới là Hà Lan. Theo số liệu của tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế thế giới (OECD), thời gian làm việc trong năm của người Hà Lan chỉ đạt 1.380 giờ (năm 2015 chỉ có 1.379 giờ), duy trì “ngôi vị” đất nước có thời gian làm việc ngắn nhất thế giới trong suốt 5 năm liên tục.
Như vậy, tính trung bình người dân Hà Lan chỉ làm việc không quá 29 tiếng đồng hồ mỗi tuần. Nếu tính thêm ngày nghỉ, ngày cuối tuần và các dịp lễ Tết, thời gian làm việc mỗi ngày của họ chưa đầy 5 giờ đồng hồ.
Các nước tiếp theo là Đan Mạch 33 tiếng/ tuần; Na Uy cũng là 33 tiếng/tuần; Ireland 34 tiếng/ tuần; Đức, Thụy Sỹ và Bỉ là 35 tiếng/ tuần; Thụy Điển, Australia và Italy lần lượt xếp vị trí thứ 8,9,10 với 36 tiếng/tuần.
Một tuần làm việc 4 ngày gần như đã trở thành tiêu chuẩn ở Hà Lan, đặc biệt là đối với các bà mẹ đang nuôi con.
Khoảng 86% các bà mẹ Hà Lan làm việc 34 tiếng hoặc ít hơn, còn đối với các ông bố, khoảng 12% làm việc với thời gian ngắn. Luật pháp Hà Lan duy trì một chính sách cân bằng công việc – cuộc sống cho người lao động và bảo hộ những người làm bán thời gian. Tất cả các loại hình lao động đều được nghỉ phép đầy đủ, kể cả chế độ nghỉ thai sản và nghỉ làm cha mẹ.
Theo một điều luật thông qua năm 2000, người lao động có thể giảm số giờ làm của mình xuống thành bán thời gian mà vẫn có thể giữ công việc, số tiền lương trả theo giờ, các chính sách y tế và xã hội khác.
Nhiều người cho rằng người Hà Lan không chú trọng hiệu suất làm việc. Tuy nhiên, sự thật là GDP bình quân đầu người của quốc gia Bắc Âu này đạt hơn 50.000 USD, hay nói cách khác, hiệu suất làm việc của người dân nơi đây vượt xa những quốc gia thông thường. Với quy mô dân số 17 triệu người, họ đã tạo ra mức GDP lên tới 850 tỷ USD (19 triệu tỷ VND).
Tại sao kinh tế Hà Lan lọt top 12 toàn cầu dù người dân “lười” làm việc?
Nhân tố lớn nhất tạo nên hiệu suất cao này nằm ở công nghệ thông minh.
Hà Lan là nước dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ hóa nông nghiệp. Khi các nước còn thu hoạch bằng sức người, Hà Lan đã sử dụng máy móc trên toàn quốc. Khi các nước bắt đầu sử dụng máy móc, Hà Lan đã thực hiện quản lý nông nghiệp bằng công nghệ thông minh.
Nhờ dành phần lớn thời gian nghiên cứu cách giải phóng sức lao động nên thời gian làm việc của người Hà Lan mới rút ngắn xuống còn 5-6 giờ mỗi ngày.
Trên đường phố của nhiều đô thị lớn ở Hà Lan có khá ít người qua lại. Người dân nơi đây thường xuất hiện nhiều trên các nông trường, khu trồng trọt. Hiệu suất làm việc của họ tốt đến mức có một gia đình quản lý nông trường rau rộng hơn 3.000 ha nhưng chỉ cần đúng 5 lao động. Mỗi ngày, họ làm việc không quá 6 tiếng nhưng thu nhập trong năm có thể đạt mức 5 triệu USD (113,8 tỷ VND).
Hà Lan là nước dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ hóa nông nghiệp
Giờ đây, người Hà Lan còn có thể vẽ ra phạm vi làm việc bằng máy tự động, kiểm soát việc phun thuốc sâu, dẫn nước tưới tiêu, thu hoạch, trồng trọt bằng mạng lưới điện thoại thông minh. Thời mà hầu hết các nước đều chưa phổ cập wifi rộng rãi, các vùng nông nghiệp ở Hà Lan đều đã ngập tràn wifi.
Một nửa đất đai Hà Lan đều dùng vào nông nghiệp. Đây cũng là nơi đầu tiên phát minh ra việc trồng cây trong nhà kính. Hiện nay, mức độ ô nhiễm trong nuôi trồng ở Hà Lan là 0%, phân bón và ánh sáng mặt trời đều được thu thập lại và sử dụng tuần hoàn.
Bên cạnh đó, Hà Lan từng phát minh ra máy vắt sữa dạng xoay, có thể vắt sữa của 150 con bò chỉ trong 1 giờ. Nhờ vậy, lượng sữa bò ở Hà Lan tăng trưởng 15% mỗi năm, dù lượng nhân công trong ngành ngày càng giảm.
Bảo Yến