Nước Đức bước vào kỷ nguyên mới hậu Merkel
Olaf Scholz đã được các nhà lập pháp bầu chọn làm thủ tướng Đức mới vào thứ Tư, đánh dấu sự kết thúc 16 năm cầm quyền của Angela Merkel.
Scholz, một thành viên của đảng SPD xã hội chủ nghĩa, sẽ lãnh đạo liên minh ba đảng với đảng Xanh và đảng FDP ủng hộ doanh nghiệp.
Thỏa thuận liên minh của họ nổi bật so với các kế hoạch trước đó do có ý định tăng cường đầu tư trên khắp đất nước. Tuy nhiên, đại dịch dự kiến sẽ là ưu tiên hàng đầu của họ khi chính phủ mới nắm quyền trong bối cảnh Đức phải vật lộn với tình trạng các ca mắc Covid-19 cao và chương trình tiêm chủng có phần bị đình trệ.
Cựu Thủ tướng Merkel, lần đầu tiên được bầu làm thủ tướng vào năm 2005, đã nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt tại Quốc hội Đức hôm thứ Tư, thời điểm cuối cùng của bà ở Hạ viện với tư cách là nhà lãnh đạo.
Holger Schmieding, nhà kinh tế trưởng tại Berenberg, cho biết: “Bà Merkel đã lãnh đạo một thời kỳ hòa bình và thịnh vượng lâu dài, dẫn dắt nước Đức một cách bình tĩnh và tự tin vượt qua một loạt biến động và khủng hoảng”.
Trong nước, nhiệm kỳ của bà Merkel sẽ được ghi nhớ với thành tích nâng cao mức sống, tỷ lệ việc làm cao hơn và lập trường tài khóa bảo thủ cho phép xây dựng các vùng đệm của chính phủ.
Trên bình diện quốc tế, bà Merkel sẽ luôn được biết đến với chính sách mở cửa khi bắt đầu cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu năm 2015. Động thái này không chỉ định hình các cuộc thảo luận rộng lớn hơn của châu Âu về cách đối phó với cuộc khủng hoảng, mà còn ảnh hưởng đến các luận điệu chống nhập cư ở nhiều nơi khác nhau.
Ngoài ra, sự lãnh đạo của bà cũng được đánh dấu bởi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và cuộc khủng hoảng nợ năm 2011. Trong khi những người chỉ trích cho rằng bà Merkel đã quá cứng rắn trong việc thúc đẩy các chính sách thắt lưng buộc bụng ở khu vực đồng euro, thì những người ủng hộ lại cho rằng đây là cách duy nhất mà bà có thể cứu đồng euro và nhận được sự ủng hộ từ Quốc hội và cử tri Đức.
Việt Dũng