Nước Anh trước thế tiến thoái lưỡng nan mới hậu Brexit
Boris Johnson đã dành nhiều thập kỷ để kích động chống lại Liên minh châu Âu và 5 năm qua nỗ lực để giải phóng Anh khỏi “gông cùm” quy định từ Brussels. Giờ đây, ông đang ở trong tình thế khó xử khi thấy mình được các nhà lãnh đạo EU cho phép gia nhập lại một hiệp ước quốc tế, hoặc có nguy cơ tàn phá ngành dịch vụ pháp lý trị giá hàng tỷ đô la của Anh.
Thỏa thuận đang được đề cập được gọi là Công ước Lugano, và về cơ bản nó thiết lập quyền tài phán của các tòa án quốc gia, đảm bảo việc công nhận và thực thi hợp pháp một loạt các phán quyết dân sự và thương mại trong các tranh chấp xuyên biên giới. London được nhiều người coi là thủ đô toàn cầu để giải quyết tranh chấp quốc tế, nhờ vào hệ thống pháp luật và tòa án đẳng cấp thế giới của Anh. Đây là một ngành rộng lớn và sinh lợi cao, giải quyết mọi thứ từ tranh chấp gia đình đến hoạt động kinh doanh quốc tế. Và việc không gia nhập lại Công ước Lugano trong thời gian dài có thể là mối đe dọa nghiêm trọng đối với lĩnh vực dịch vụ pháp lý của Anh, cũng như tạo ra khó khăn cho các công ty lớn cũng như người dân bình thường. Anh từ bỏ hiệp ước do hậu quả của Brexit và nộp đơn xin gia nhập lại vào tháng 4 năm 2020. Tuy nhiên, trong khi các quốc gia ký kết không thuộc EU (Iceland, Na Uy và Thụy Sĩ) đã đồng ý tái gia nhập, cho đến nay Ủy ban châu Âu đã khuyến nghị EU từ chối yêu cầu này và nói rằng khối này “không có tư cách” để đồng ý cho Anh gia nhập. Đây là điều khó khăn đối với thủ tướng Anh, cả về mặt chính trị và kinh tế.
Theo Hiệp hội Luật sư, dịch vụ pháp lý đã bổ sung gần 60 tỷ bảng Anh (83 tỷ đô la) cho nền kinh tế Anh vào năm 2018, trong khi xuất khẩu dịch vụ pháp lý năm 2017 đạt 5 tỷ bảng Anh (6,9 tỷ đô la). Scott Devine, từ The City UK, một cơ quan đại diện cho các dịch vụ tài chính và chuyên nghiệp có trụ sở tại Anh, cho biết lĩnh vực dịch vụ pháp lý sử dụng hơn 350.000 người, với 2/3 trong số đó là bên ngoài London. Devine nói rằng danh tiếng của luật pháp Anh đã khiến nơi đây trở thành “nơi có các luật kinh doanh và hợp đồng quốc tế được ưa thích”. Theo Devine, vào năm 2019, 77% các vấn đề khiếu nại tại tòa án thương mại có một bên đến từ bên ngoài nước Anh và xứ Wales, trong khi 43% là hoàn toàn từ bên ngoài.
Một số nhà chỉ trích Brexit lo ngại rằng việc không tham gia vào Công ước Lugano và mối quan hệ yếu kém giữa Anh và các nước châu Âu sau Brexit có thể làm giảm vị thế của lĩnh vực quan trọng này. Dominic Grieve, cựu tổng chưởng lý của Anh và xứ Wales, nói rằng mối quan tâm của ông là “khả năng tồn tại lâu dài của London như một trung tâm giải quyết tranh chấp”. Ông cho rằng việc này càng kéo dài, “nó càng có khả năng gây thiệt hại, bởi vì không nghi ngờ gì rằng Vương quốc Anh, khi còn ở trong EU, được coi là nơi giải quyết tranh chấp được lựa chọn cho các vụ kiện của EU thuộc mọi lĩnh vực”.
Một vấn đề mà London hiện phải đối mặt là nếu họ đứng ngoài công ước, các quốc gia EU có thể cạnh tranh trực tiếp với thủ đô của Anh trong lĩnh vực này.
Catherine McGuinness, chủ tịch chính sách của City of London Corporation, cho rằng những người chịu thiệt hại lớn nhất sẽ là những cá nhân tìm kiếm công lý với tư cách là người tiêu dùng hoặc trong cuộc sống cá nhân của họ. Câu hỏi đặt ra cho cả hai bên bây giờ: bạn có thể duy trì quan điểm chính trị này trong bao lâu, điều mà cuối cùng sẽ gây hại cho chính công dân của mình với mục đích duy nhất là để giữ thể diện?
Vũ Anh