“Nóng” tình trạng giá cước tàu biển và giá thuê container rỗng tăng phi mã…

Thời gian gần đây giá cước tàu biển và giá thuê container rỗng tăng cao ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Xoay quanh bất cập này, Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) và Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã phối hợp tổ chức cuộc họp tại Tp.HCM để tìm hướng tháo gỡ hiệu quả.

Tại cuộc họp, nhiều doanh nghiệp bức xúc cho biết hơn 3 tháng nay giá thuê container rỗng liên tục tăng, từ mức gần 1.000 USD/container/40 feet ban đầu nay đã tăng lên 8.000-10.000 USD/container/40 feet. Khẳng định đây là mức tăng bất hợp lý, các doanh nghiệp đề nghị các hãng tàu cần có sự minh bạch thông tin về giá, đồng thời có lộ trình tăng giá sao cho phù hợp hơn.

Theo bà Huỳnh Thị Mỹ – Tổng Thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), giá cước vận tải biển tăng đột biến đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các doanh nghiệp ngành nhựa, biểu hiện rõ nét ở sự sụt giảm doanh số xuất khẩu của ngành. Bà Mỹ lấy dẫn chứng giá cước tàu biển quá cao buộc một doanh nghiệp sản xuất sợi xuất khẩu của Ấn Độ hoạt động trong KCN Việt Nam – Singapore phải tuyên bố đóng cửa nhà máy. Ngoài ra còn có rất nhiều doanh nghiệp nhựa khác cũng cùng chung cảnh ngộ với lượng hàng xuất đi vẫn rất chậm, số lượng hàng tồn kho so với thời điểm này năm ngoái lên đến 50%.

Trước tình hình trên, bà Mỹ cho biết VPA đã kiến nghị Cục Hàng hải xem lại cách tính cước của các hãng tàu và trong thẩm quyền có thể phối hợp với các cơ quan khác tiến hành thanh tra, kiểm tra lại giá cước vận chuyển. Ngoài ra do các Nghị định, Thông tư đã ban hành chưa có quy định chế tài rõ ràng, cụ thể về việc niêm yết giá vận tải biển container nên Hiệp hội cũng đề xuất cần xem xét, sửa đổi lại các quy định trong các Nghị định, Thông tư này sao cho phù hợp, tránh tình trạng tăng giá phi mã như hiện nay.

Trước phản ứng gay gắt của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội, ngành hàng về tình trạng các hãng tàu vận tải biển container tăng giá, phụ giá dịch vụ vận chuyển container lên rất cao hoặc thiếu container rỗng để đóng hàng xuất khẩu…, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Hoàng Hồng Giang cho biết đơn vị này đã có văn bản đề nghị các hãng tàu hoạt động tại Việt Nam thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Cục Hàng hải Việt Nam tại công văn đã ban hành cuối tháng 11/2020 về việc thực hiện niêm yết giá theo Nghị định 146/2016/NĐ-CP (quy định việc niêm yết giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển, giá dịch vụ tại cảng biển). Cục cũng phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu tổ chức buổi làm việc với các hãng tàu, chủ hàng, hiệp hội tại khu vực phía Bắc vào tháng 12/2020 song kết quả không đạt như kỳ vọng. Đó là lý do Cục Hàng hải và Cục Xuất nhập khẩu quyết định tổ chức cuộc họp tại Tp.HCM – nơi tập trung hoạt động hàng hải lớn cũng như có đại diện cấp cao của các hãng tàu để tiếp tục bàn về câu chuyện giá vận tải hàng hóa container bằng đường biển tăng phi mã trong thời gian qua, từ đó tìm được giải pháp tháo gỡ kịp thời, giúp các doanh nghiệp yên tâm hoạt động

Theo ông Giang, việc giá cước thuê container rỗng đóng hàng tăng là do cung cầu của thị trường, tuy nhiên các hãng tàu cần thực hiện yêu cầu của Cục Hàng hải trong việc niêm yết giá rõ ràng. Riêng đối với đề xuất của các hãng tàu về việc giải tỏa hàng ngàn container vô chủ ở cảng để “lấy nguồn” container rỗng cho xuất khẩu, ông Giang cho biết Cục Hàng hải sẽ cân nhắc kỹ lưỡng và đưa ra phương án phù hợp.

Về phía Bộ Công Thương, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết giá cước tàu biển và giá thuê container rỗng tăng cao ảnh hưởng mạnh đến hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là xuất khẩu. Về vấn đề này, Bộ Công thương và Bộ Giao thông vận tải sẽ có báo cáo Thủ tướng để đảm bảo quyền lợi hài hòa giữa các bên. Ngoài ra ông Hải cũng khuyến nghị các doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu phương thức vận chuyển sang Châu Âu bằng đường hàng không thay cho đường biển vì tình hình thiếu hụt container và hoạt động hậu cần tại các cảng ở những nước dịch Covid-19 diễn biến phức tạp sẽ còn kéo dài.

Quang Hưng