Nông nghiệp của chúng ta không chỉ đủ ăn, mà còn có thể làm giàu được
“Nhiều người, đặc biệt là các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, đều nói là nông nghiệp của chúng ta không chỉ đủ ăn, có thể làm giàu được. Đó chính là cơ hội, niềm tin mới của chúng ta để phát triển mạnh mẽ một số sản phẩm, đặc sản thế mạnh rất đa dạng ở từng địa phương”.
Thủ tướng nêu rõ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp, một hội nghị quan trọng vì liên quan đến khoảng 65% dân số sống ở nông thôn và góp phần thực hiện tốt mục tiêu kép hiện nay là vừa chống dịch COVID-19 vừa phát triển sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng cho rằng, sau 30 năm đổi mới, nông nghiệp nước ta có tiến bộ đáng mừng, từ một nước thiếu ăn, chúng ta trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hàng tỷ USD.
Hiện nay, nông nghiệp Việt Nam còn tiềm năng lớn, có thể làm giàu từ nông nghiệp. Tuy vậy, lãng phí và thất thoát trong nông nghiệp vẫn còn cao trong các khâu chế biến, thu hoạch, bảo quản. Cơ giới hóa còn thấp, thấp hơn cả Thái Lan, nên năng suất lao động nông nghiệp thấp.
Do đó, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần lắng nghe, tiếp thu, vận dụng phù hợp và đặc biệt là tháo gỡ, tạo điều kiện cho hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển nông nghiệp Việt Nam để đón bắt thời cơ mới, trong điều kiện mới của Việt Nam, một nước nông nghiệp nhiệt đới gió mùa với lợi thế khác với nhiều nước.
Sau Hội nghị này, Thủ tướng sẽ ban hành Chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến và cơ giới hóa trong nông nghiệp. Bộ NN&PTNT tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị, khẩn trương hoàn thiện nội dung Chỉ thị trình ban hành.
Cho rằng nếu không chế biến khó tăng giá trị nông sản, Thủ tướng nhất trí với ý kiến của doanh nghiệp cho rằng đẩy mạnh xuất khẩu nông sản tươi cũng rất cần thiết, nhưng chế biến sâu là hướng đi quan trọng để chúng ta chủ động với thị trường toàn cầu, hay giải quyết tình trạng “được mùa rớt giá”. Ví dụ, thanh long có thể giữ 20 ngày, chuối 40 ngày nên nếu vận chuyển xa thì khó giữ tươi, khâu bảo quản phức tạp.
Việt Nam ở đâu cũng có sản phẩm nông nghiệp, cũng có đặc sản. Cho nên vấn đề tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường là điều rất quan trọng.
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của thị trường nội địa trong thời gian tới, đây được xem là ưu tiên hàng đầu để nhân dân có nông thủy sản sạch, có chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Lưu ý năng suất lao động nông nghiệp còn thấp, Thủ tướng cho rằng, phải giảm tỉ lệ lao động trong nông nghiệp mạnh mẽ bằng cách áp dụng cơ giới hóa.
Về định hướng chính sách cho lĩnh vực, Thủ tướng gợi mở, cần kéo dài thời gian, giảm lãi suất vì tỉ suất lợi nhuận trong nông nghiệp thấp; đề nghị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước lưu ý vấn đề này.
Cần tiếp tục áp dụng khoa học công nghệ như có các giống mới chịu hạn, mặn tốt, ứng dụng công nghệ số, công nghệ sinh học, cơ khí để nâng cao giá trị, chất lượng.
Muốn cạnh tranh được cần tiếp tục giảm giá thành, giảm chi phí, nhất là chi phí logistics, chi phí vận chuyển. Thủ tướng lấy ví dụ về trường hợp xuất khẩu một quả xoài từ Đồng Tháp thì chi phí logistics chiếm khoảng 50%.
Cần xây dựng thương hiệu nông sản, từ đó có thể quy hoạch vùng nguyên liệu quy mô lớn, “chứ bây giờ làm nhỏ lẻ thì không ăn thua, bởi muốn vào siêu thị lớn, trung tâm lớn, xuất khẩu lớn thì quy hoạch vùng nguyên liệu rất quan trọng”. Do đó, Thủ tướng ghi nhận nhiều ý kiến góp ý về chính sách tích tụ ruộng đất và cho biết, sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội một nghị quyết về chính sách đất đai trong nông nghiệp.
Về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, Thủ tướng cho rằng, không những người lao động, mà lao động quản lý cũng rất quan trọng, “một người lo bằng kho người làm”.
Thủ tướng cũng nêu rõ yêu cầu về xây dựng một nền nông nghiệp tín nhiệm, đó là nông nghiệp sạch, an toàn, chất lượng, nông nghiệp hữu cơ.
Cơ bản đồng ý với định hướng phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh tầm nhìn phát triển công nghiệp chế biến nông sản: Phấn đấu đến 2030 đứng trong tốp 10 thế giới, là một trung tâm chế biến sâu và logistics nông sản toàn cầu. Về tầm nhìn phát triển cơ giới hóa nông nghiệp: Phấn đấu đến 2030, cơ giới hóa đồng bộ, hiện đại ở các ngành hàng chủ lực, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giảm tổn thất trong nông nghiệp. Từ tầm nhìn này, cần thiết kế các giải pháp, nhất là đối với các khâu còn yếu như khâu giết mổ trong chăn nuôi, khâu bảo quản trong trồng trọt, một khâu còn thất thoát lớn…
Để bảo đảm triển khai tốt các nhiệm vụ trọng tâm trên, Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT chủ trì khẩn trương hoàn thành xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển cơ giới hóa và công nghiệp chế biến nông sản đến năm 2030 và Đề án phát triển 3 ngành chế biến để phấn đấu đứng trong tốp 5 nước hàng đầu thế giới về: Chế biến rau, củ, quả; thủy, hải sản; gỗ và sản phẩm từ gỗ; trình Chính phủ ban hành Nghị định về chính sách đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp thay thế Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013.
Bộ Công Thương triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam, trong đó các loại máy kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp, các loại máy canh tác, bảo quản, chế biến sản phẩm nông lâm ngư nghiệp thuộc danh mục ưu tiên đầu tư phát triển; thực hiện Chương trình cơ khí trọng điểm tập trung một số dự án phục vụ cơ giới hoá nông nghiệp và giảm tổn thất sau thu hoạch; xây dựng đề án, kế hoạch phát triển logistics gắn với vùng sản xuất, kinh doanh nông nghiệp nhằm giúp doanh nghiệp giảm chi phí và thời gian vận chuyển, phân phối sản phẩm.
Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, hợp tác xã trong lĩnh vực nâng cấp công nghệ chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản; xây dựng, hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá về năng lực của ngành chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; đặc biệt là ưu đãi các doanh nghiệp, dự án đầu tư chế biến nông lâm thủy sản, cơ giới hóa nông nghiệp.
UBND các tỉnh, thành phố, bên cạnh thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương, phải chủ động xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp trên địa bàn một cách thực chất và hiệu quả hơn.
Minh Vương