Nông dân Nghi Lộc – Nghệ An và hướng phát triển kinh tế mới từ cây ngô đỏ non

Huyện Nghi Lộc – tỉnh Nghệ An là một trong những địa phương đi đầu cả tỉnh về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đặc biệt là trồng ngô đỏ non cung ứng thức ăn cho Trang trại chăn nuôi bò Úc đóng trên địa bàn xã Nghi Lâm, qua đó góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân.

Để đáp ứng nhu cầu thức ăn chăn nuôi của Trang trại bò Úc, từ năm 2014 đến nay huyện Nghi Lộc chuyển đổi, mở rộng diện tích trồng giống ngô đỏ. Trong số gần 2.800 ha ngô các loại Nghi Lộc sản xuất trong vụ xuân năm nay, có tới 700 ha ngô đỏ non của các xã phía Tây của huyện trồng để cung ứng cho trang trại bò. Mỗi năm cây ngô đỏ non cho thu hoạch 3 vụ với sản lượng đạt 28.000 tấn, ước tính doanh thu đạt 75 tỷ đồng/năm.

Nông dân Nghi Lộc chỉ yếu trồng các giống ngô đỏ: CT888, CT919, CT999, CT989 … Các giống này có ưu điểm nổi trội là thời gian sinh trưởng ngắn (3 tháng), ngắn hơn ngô hạt 1 tháng; mật độ cây cao hơn; quan trọng là cho năng suất và giá trị kinh tế cao hơn (ước đạt 1,8 triệu/sào), cao hơn ngô hạt (1,2 triệu/ sào) nên người dân địa phương rất hào hứng chuyển đổi từ trồng ngô hạt sang trồng ngô cây để cung cấp cho Trang trại bò Úc. Trong đó xã Nghi Lâm đã mạnh dạn chuyển đổi 80 ha diện tích đất trồng lúa kém năng suất sang trồng ngô đỏ. Hiện nay Trang trại bò Úc đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm từ cây ngô cho bà con nông dân tại các xóm 4, 5, 12, 13 trên địa bàn xã. Với giống ngô đỏ non, thời gian cho thu hoạch khoảng 3 tháng, năng suất trung bình đạt 40 tấn/ha. Mỗi vụ toàn xã Nghi Lâm thu hoạch khoảng 3.200 tấn ngô cây bán cho trang trại bò Úc, giá trị ước đạt 2,7 tỷ đồng/vụ.

Ngoài Nghi Lâm, hiện các xã vùng bán sơn địa thường hay khô hạn, thiếu nước trồng trọt trên địa bàn huyện Nghi Lộc (xã Nghi Văn, Nghi Kiều, Nghi Mỹ…) cũng đã chuyển đổi diện tích trồng hành tăm, ngô lấy hạt trước đây sang trồng ngô thu hoạch cây với diện tích trung bình từ 2 – 5 sào/hộ.

Điển hình như xã Nghi Văn vụ xuân năm nay trồng 425 ha ngô đỏ. Gia đình chị Nguyễn Thị Vân (xóm 1) đã chuyển 2 sào trồng ngô lấy hạt trước đây sang trồng ngô cây và hiện đang trong giai đoạn thu hoạch. Chị Vân cho biết năm nay, ngô cây cho năng suất khá, ước đạt khoảng 2 tấn/sào. Giá ngô cây trang trại bò Úc thu mua 900 đồng/kg, vị chi gia đình chị thu về 3,6 triệu/vụ; cao hơn gấp 1,5 lần so với trồng ngô lấy hạt trước đây.

Còn theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn  Khánh – Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Văn, trồng ngô cây không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao hơn ngô hạt mà lại tốn ít công chăm sóc hơn, chính vì vậy bà con nông dân trong xã rất hưởng ứng việc chuyển đổi sang trồng ngô cây. Hiện diện tích ngô đỏ trên địa bàn xã mở rộng tới 425 ha, tăng 60 ha so với năm trước; doanh thu trên 15 tỷ đồng/vụ.

Từ Nghi Văn chúng tôi di chuyển tới xã Nghi Kiều – một trong những xã có diện tích trồng ngô đỏ cây khá lớn với 260ha. Ông Hoàng Đình Phương – Chủ tịch UBND xã cho biết đây là một giống cây trồng mới đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân nên lãnh đạo xã sẽ tiếp tục liên kết với Trang trại bò Úc trong việc thu mua ngô cây cho bà con; đồng thời khuyến khích các hộ dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích trồng ngô.

Trang trại chăn nuôi bò Úc vỗ béo ở xã Nghi Lâm hiện có tổng đàn trên 3.000 con. Ngoài thu mua sản phẩm từ ngô cây, tạo đầu ra ổn định và mang lại thu nhập cao cho nông dân Nghi Lâm và các xã lân cận, Trang trại còn cung cấp lượng lớn phân chuồng phục vụ trồng trọt, qua đó giúp bà con vừa tiết giảm được chi phí đầu vào vừa nâng cao hiệu quả cây trồng.

Ông Nguyễn Xuân Quang – Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Nghi Lộc cho biết sự phát triển của Trang trại chăn nuôi bò Úc đã mở ra cho các xã trên địa bàn huyện Nghi Lộc hướng phát triển kinh tế mới; đặc biệt là các xã bán sơn địa khu vực phía Tây Nghi Lộc vốn thường xuyên thiếu nước sản xuất. Thông qua hình thức thu hoạch ngô cây cung ứng cho Trang trại đã góp phần nâng giá trị kinh tế của cây ngô đỏ lên gấp gần 1,5 lần so với trồng ngô lấy hạt. Do hiệu quả kinh tế mang lại khá cao nên trong vụ hè thu này, huyện Nghi Lộc có kế hoạch chuyển đổi khoảng 400 ha đất không chủ động nước sang trồng ngô.

Nguyễn Cường