Nỗi lo sau một điểm từ Thái Lan
Sau trận đấu tại Thammasat, nhiều cầu thủ Việt Nam tỏ ra tiếc nuối khi không thể thắng Thái Lan, đây là điều chưa từng xảy ra. Có vẻ như việc phải thắng khi đối đầu Thái Lan đã trở thành điều bình thường. Cuộc chuyển đổi vị thế từ King’s Cup đến nay xem như đã hoàn thành mỹ mãn.
Duy Mạnh đi bóng trong sự truy cản quyết liệt của cầu thủ Thái Lan, ở trận ra quân hôm 5/9.
Ở bảng đấu kỳ lạ này, có bốn đội mạnh nhất khu vực Đông Nam Á và một đối thủ từ Tây Á lại được xem là…mạnh nhất bảng. Nghĩa là không có “túi đựng điểm” nào. Việc để thua một trận cầu đinh, rồi sửa chữa sai lầm ở trận đấu với đối thủ yếu hơn, sẽ không xảy ra tại bảng G. Cân bằng là một chuyện, các trận đấu ở đây còn dính líu đến những yếu tố đặc thù của làng cầu Đông Nam Á.
Trận Indonesia – Malaysia là điển hình. Đôi khi yếu tố chuyên môn chưa đẩy sự căng thẳng lên cao bằng những khía cạnh liên quan, như lịch sử hay chính trị…
Với thể thức của vòng loại này, một điểm chẳng khác gì không điểm. Có hòa đến sáu trận cũng chỉ có giá trị “tự sướng” chứ về kết quả chung là thất bại. Chỉ có duy nhất một suất vào thẳng dành cho đội đầu bảng, các đội nhì bảng còn phải so các chỉ số. Trong bảng đấu có nhiều đội cùng trình độ, số điểm dành cho đội nhì bảng sẽ khó tốt hơn với các bảng đấu có một hoặc hai đội yếu. Ở vòng loại World Cup 2018, số điểm tối thiểu để vào vòng loại cuối cùng là 11 điểm sau sáu trận. Nghĩa là, phải thắng ít nhất ba trận mới có khả năng tranh chấp bốn vé nhì bảng có thành tích tốt nhất.
Đấy mới là lý do để HLV Park Hang-seo và các cầu thủ tiếc nuối. Mục tiêu của Việt Nam đã thay đổi: phải kiếm điểm để vào vòng loại cuối cùng. Trước Thái Lan hay bất kỳ đối thủ nào cũng như vậy. Trận hòa vừa qua buộc Việt Nam phải tìm cách thắng trận đấu với Malaysia, đội hiện tại có ít nhất ba điểm trước khi đến sân Mỹ Đình trong lượt trận thứ hai diễn ra vào tháng 10.
Trong trận đấu ở Thammasat, điều dễ nhận thấy là Thái Lan đã mang gương mặt khác hẳn King’s Cup. Ba tháng trước, họ là một tập hợp vội vã của những cá nhân, tạo ra sự cân bằng với đội bóng của Park Hang-seo chủ yếu dựa vào lối chơi thô bạo, tiểu xảo.
Nhưng hôm 5/9, cách họ luân chuyển bóng liên tục cùng những miếng đánh nhuần nhuyễn, có chủ đích chiến thuật cho thấy họ tiếp thu rất nhanh ý đồ của tân HLV Akira Nishino. Trong vòng một tuần mà đã thay đổi đến vậy, đó là nhờ chất lượng cầu thủ của Thái Lan vẫn ở đẳng cấp cao. So với việc đá hùng hục để rồi nhận trận thua phút cuối tại King’s Cup, lần này họ khoan thai hơn và suýt thắng phút cuối, sự khác biệt đó báo hiệu những tiến bộ rất mạnh trong phần còn lại của vòng loại World Cup.
Hoặc như đối thủ kế tiếp là Malaysia. Cũng HLV đó, con người đó, từng thua Việt Nam trong trận chung kết AFF Cup 2018 nhưng với cách Malaysia đối đầu và vượt qua Indonesia thì cho thấy sự tiến bộ rõ rệt. Trong 23 cầu thủ của Malaysia thắng Indonesia, có 14 người dưới tuổi 25 và 7 trong đó đá chính. Đây là dàn cầu thủ từng vào chung kết SEA Games 2017, vượt qua vòng bảng U23 châu Á 2018 và loại Thái Lan tại bán kết AFF Cup 2018 với trận hòa ngay trên sân Rajamangala, Bangkok. Sự ổn định của họ không kém gì Việt Nam, và không loại trừ khả năng họ vẫn có thể chơi tốt hơn.
Bởi vậy, câu hỏi quan trọng nhất sau một điểm ở Thammasat là Việt Nam có thể tốt hơn hay không? Hay những gì tốt nhất đã đến rồi và sẽ qua đi?
Nếu nhìn vào trận hòa với Thái Lan, có nhiều lý do để hỏi như vậy. Lần đầu tiên kể từ U23 châu Á, HLV Park Hang-seo sử dụng bốn cầu thủ HAGL cùng lúc. Gọi năm, dùng đến bốn, đó là chưa tính cả Công Phượng. Đây là con số cao nhất được dùng. Và sự thật là: Đội bóng vừa thoát khỏi viễn cảnh xuống hạng ở V-League lại chiếm áp đảo số lượng người đá chính trên đội tuyển quốc gia.
Sự tin tưởng của HLV Park Hang-seo là có cơ sở. Các cầu thủ HAGL chơi tròn vai, riêng Tuấn Anh thì tỏa sáng hơn kỳ vọng. Với Công Phượng, thậm chí còn quá tốt so với mong đợi nếu xét hoàn cảnh hiện tại của anh và số thời gian ít ỏi có mặt trên sân. Trong bốn pha bóng mà Công Phượng tham gia tấn công, đó đều là những cơ hội sáng sủa trước khung thành Thái Lan. Những lần chạm bóng khác, đều đúng nhiệm vụ được giao. Cú sút trượt chỉ là tai nạn, vì nếu vào trúng bóng, đó sẽ là cú đại bác tung nóc cầu môn phía xa.
Nhưng như đã nói, trong một trận đấu cụ thể thì tốt, nhìn đường xa thì lại có vấn đề. Dùng nhiều cầu thủ HAGL có nghĩa là HLV Park Hang-seo đã vét cạn những gì mà ông có. Hay nói đúng hơn, không còn ai có thể tốt hơn được nữa để giúp ông thay thế. Ông Park nhìn thấy khả năng trở lại của Tuấn Anh, một cầu thủ ông chưa làm việc chung nhiều, cũng có nghĩa là ông đã cố gắng tìm nhân tố mới nhưng không có ai khác.
Mọi con người mà ông sử dụng trong trận đấu với Thái Lan đều cũ. Từ U23 châu Á đến nay đã đá cùng nhau, nên việc họ đá tốt là đương nhiên. Nhưng tốt hơn nữa, thì chưa chắc. Thực tế, Việt Nam vẫn đá theo cách của một đội cửa dưới, kiên nhẫn hóa giải đối phương và chờ cơ hội để trừng phạt họ bằng sự tinh tường trong các lần thay người của HLV Park Hang-seo. Nhưng đá với Thái Lan khác đá với Malaysia, Indonesia. Lấy ưu thế về sự quen thuộc để nắm chắc một điểm khác với việc có những đột biến trong tình thế buộc phải lấy trọn ba điểm.
Rõ ràng, chúng ta chỉ đang hy vọng mọi thứ sẽ tốt hơn, chứ không có gì chắc chắn. Nhất là khi hy vọng đó lại chủ yếu từ tài nghệ dụng binh của thầy Park, chứ không đến từ con người ông có. Gọi Công Phượng từ Bỉ về là quyết định được kiểm chứng, nhưng nó không phải giải pháp có tính then chốt. Thực tế, Công Phượng có giữ phong độ tốt bao nhiêu, nhưng nếu cứ dự bị tại Sint-Truiden, cảm giác bóng sẽ tiếp tục giảm. Không phải sút trượt một lần, mà có thể là hai hay ba lần. Trong khi đó, dàn cầu thủ Hà Nội chắc chắn sẽ tiếp tục phải vắt kiệt sức trong những ngày sắp đến vì V-League và AFC Cup…
Quang Huy