Nỗi lo “ép giá” và “bài toán thương hiệu”nông sản khi xuất khẩu
Các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm trong thời gian qua, như: gạo, cà phê, hạt điều, chè, hồ tiêu, cao su, trái cây, sắn, sản phẩm từ gỗ, thủy sản… là những mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam, đứng top đầu thế giới.
Tuy nhiên, đến nay 80% sản phẩm nông sản xuất khẩu vẫn thông qua thương hiệu của nước ngoài..Mặc dù khi so sánh về chất lượng nông sản, thuỷ sản của Việt Nam không thua kém hàng của Thái Lan, Ấn Độ, Đài Loan… nhưng giá trị hàng nông nghiệp của ta lại thấp hơn. Chè Việt Nam đã được xuất khẩu đi hơn 100 quốc gia trên thế giới, giá chè xuất khẩu của Việt Nam luôn bị trả chỉ bằng 60 – 70% giá chung của thế giới. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiệu quả xuất khẩu chè còn thấp, chủ yếu là do chất lượng sản phẩm của Việt Nam chưa cao, dư lượng hóa chất còn vượt mức cho phép, vệ sinh trong chế biến chưa tốt…
Chè Việt Nam đứng trong top 3 nước xuất khẩu nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên, thương hiệu Chè Việt đã được triển khai xây dựng thương hiệu quốc gia từ năm 2004 và được bảo hộ ở 73 quốc gia nhưng không triển khai đến tận gốc nên sản phẩm chè vẫn chỉ xuất ở dạng thô hoặc xuất theo thương hiệu của nước ngoài.
Mới đây, Bộ công thương đã phối hợp với Bộ NN và PTNN cùng các cơ quan liên quan quyết tâm thực hiện thành công việc xây dựng thành công thương hiệu cho ngành thực phẩm. Theo các chuyên gia nếu khi xây dựng thành công sẽkhông những giúp khẳng định thương hiệu cho các sản phẩm thực phẩm mà còn và nâng giá trị xuất khẩu lên thêm 1/3 so với mức hiện tại.
Sau gần 3 năm triển khai, hiện nay việc xây dựng Logo thương hiệu cho ngành thực phẩm “Food of Vietnam” đã đi vào giai đoạn cuối là triển khai thực hiện. Đến nay đã hoàn thành việc thiết kế Logo và Slogan và theo kế hoạch torng năm nay, Bộ công thương sẽ đưa ra mẫu Logo và Slogan sẽ được gắn cho các sản phẩm xuất khẩu của ngành thực phẩm.
Theo Ông Cao Bá Đăng Khoa – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam: “Việc xây dựng thương hiệu Quốc gia bắt đầu từ năm 2015, qua 3 năm triển khai thì đây là giai đoạn để Việt Nam đủ tự tin tham gia vô các chương trình ẩm thực của thế giới. Từng doanh nghiệp và từng chính ngành hàng tự tin hơn, được sự hỗ trợ của chính phủ, các nguyên thủ quốc gia, các đoàn xúc tiến thương mại, các bộ ngành để đưa thực phẩm Việt Nam quảng bá nhiều hơn, sâu hơn, rộng hơn ở trên thị trường thế giới.”
Cũng theo ông Khoa, “Hiện nay hầu hết các doanh nghiệp gặp khó khăn là bước vào quy trình tự kiểm soát. Rất nhiều doanh nghiệp đã quen để cho cơ quan khác bị kiểm soát mình rồi nhắc nhở theo những quy trình khác. Muốn đạt được cái thương hiệu quốc gia thì mình tự soạn ra quy trình và mình phải tự kiểm soát và minh bạch với chính mình trước, kiểm soát được sản phẩm của mình trước và đó là cái đầu tiên để khẳng định được thương hiệu của mình trên thế giới”.
Ông Dương Nghĩa Quốc – Chủ tịch Hiệp Hội cá tra VN cho biết“Khi muốn xây dựng được cái thương hiệu thì trước hết là phải tái cơ cấu lại ngành hàng. Khi được thị trường thế giới chấp nhận thì đương nhiên là phần lợi nó sẽ cao và chúng ta sẽ bán được giá cao, được người tiêu dùng chấp nhận thì các doanh nghiệp đó sẽ không ngừng phát triển cái sản phầm hàng hóa của mình”.
Sau khi công bố Logo và Slogan thì 3 mặt hàng Cà phê, Chè, Cá tra sẽ được gắn thương hiệu quốc gia xuất khẩu vào đầu năm 2018. Định hướng 2020, các mặt hàng thực phẩm khác xuất khẩu sẽ có Logo “Food of Vietnam”. Trong đó, ưu tiên xây dựng thương hiệu các mặt hàng: Xoài, Thanh Long, Cafe, Tiêu, Điều và các mặt hàng thủy sản khác…nhằm quảng bá hiệu quả, tăng cường nhận thức và công nhận ở quy mô quốc tê về thực phẩm Việt Nam, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành thực phẩm, tăng cường công tác xúc tiến thương mại và đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm của Việt Nam ra thị trường thế giới.
Thương hiệu đơn giản là “cái hiệu” mà người ta “thương”…
Ông Leon Trujilo, Chuyên gia thương hiệu của Tổ chức Hỗ trợ Nhập khẩu từ các nước đang phát triển của Hà Lan (CBI) nhận xét, Việt Nam là nước cung cấp hàng đầu nhiều loại nông sản, thực phẩm cho thế giới, nhưng thực tế nhiều người tiêu dùng thế giới chưa biết đến các thương hiệu nông sản, thực phẩm của Việt Nam, chưa biết đến Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về các ngành hàng này. Hiện nay thì chúng tôi cũng đã có kế hoạch điều chỉnh trang Web hay truyền thông trên các kênh truyền thông xã hội. Đầu năm 2018, chúng tôi dự kiến tổ chức một triển lãm để các hiệp hội cùng tham gia và thông qua đó sẽ giúp Việt Nam quảng bá thương hiệu của mình.
Chuyên gia Kinh tế Nông nghiệp, Ông Nguyễn Hữu Trí với nhiều năm Trăn trở tìm “visa” cho nông sản Việt Nam.
Ông Nguyễn Hữu Trí, Chuyên gia về Luật và Kinh tế Nông nghiệp, Giám Đốc Công ty Cô phần Nông sản Trí Việt, bên cạnh hy vọng, ông cũng bày tỏ nhiều trăn trở“Áp dụng thương hiệu quốc gia là đúng cho các sản phẩm trên vì như thế sẽ nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, tôn vinh người nông dân, từ đây Sản phẩm Việt danh chính ngôn thuận có mặt trên thị trường quốc tế, nâng cao giá trị mặt hàng.Tuy nhiên, trong tình hình sản xuất Nông nghiệp Việt Nam như hiện nay, nếu gắn Logo cho Sản phẩm mà không kiểm soát được chất lượng thì sẽ có nguy cơ bị đối thủ cạnh tranh tìm cách làm mất uy tín thương hiệu dựa trên kiểm định chất lượng…
Hiện Việt Nam đang xuất một phần lớnnông sản, thuỷ sản tới các nước như: Đài Loan, Trung Quốc, Brazil…các nước này nhập sản phẩm, có thể chế biến thêm và gắn thương hiệu của nước họ để bán lại với giá cao hơn, khống chế được thị trường, do vậy khi gắn thương hiệu quốc gia cho sản phẩm thì dễ dẫn đến các tổ chức thương mại bên ngoàiliên minh để gây khó cho sản phẩm của Việt Nam. Do đó, việc áp dụng thương hiệu cần có biện pháp kiểm soát chất lượng sản phẩm và tính toán chọn lựa thời điểm gắn Logo, Slogan thích hợp.”
TheoÔng Phạm Văn Minh – Giám đốc Công ty CP Batrivina:“Xây dựng thương hiệu quan trọng là thể hiện được Who và Why: Bạn là ai? và tại sao chúng tôi phải tin bạn, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ từ bạn. Đó là một yếu tố hầu như là bắt buộc để chúng ta khẳng định được và tạo được niềm tin với khách hàng.”
Còn theoBà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Thủy sản Việt Nam: “Việc xây dựng thương hiệu nông sản, thực phẩm không chỉ dừng lại ở việc thiết kế logo hay khẩu hiệu, mà quan trọng là cần làm cho người tiêu dùng hiểu hơn về đất nước sản xuất ra sản phẩm đó và chuỗi giá trị bền vững, trong đó có những cam kết về chất lượng. Đây là điểm cốt lõi khi xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế.
Thương hiệu Việt Nam – giỏ thực phẩm thế giới là thương hiệu chung bao trùm lên nhiều ngành liên quan. Việc xây dựng thương hiệu quốc gia cùng với xây dựng thương hiệu các ngành nhỏ liên quan sẽ làm mạnh thêm từng ngành”, bà Lan nhận định.
Theo các chuyên gia, hiện nay Việt Nam có 8 loại nông sản có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó, đứng đầu là hạt điều, tiêu và xuất khẩu gạo, chè đứng trong top 3 nước xuất khẩu nhiều nhất thế giới. Thế nhưng, phần lớn các mặt hàng nông sản này xuất thô hoặc xuất theo thương hiệu của nước nhập khẩu, xuất dưới thương hiệu Việt Nam chỉ có một phần không đáng kể. Cụ thể, đối với thương hiệu Chè Việt, tuy đã được triển khai xây dựng thương hiệu quốc gia từ năm 2004 và được bảo hộ ở 73 quốc gia, nhưng do không triển khai đến tận gốc nên sản phẩm chè vẫn chỉ xuất ở dạng thô hoặc xuất theo thương hiệu của nước ngoài hoặc đối với Tiêu, Châu Âu nhập khẩu 50% tiêu hay tại Hà Lan có tới 80% tiêu từ Việt Nam nhưng không ai biết đó là xuất xứ tại Việt Nam.Để thương hiệu quốc gia phát triển được rất cần có sự cam kết mạnh mẽ của các bên tham gia vào chuỗi giá trị, từ Chính phủ cho đến các doanh nghiệp.
Để kết lại, xin dẫn một câu chuyện có thật thế này,
Hơn 20 năm trước, sau cuộc khảo sát rất nhiều Doanh nghiệp cho định nghĩa chính xác về Câu hỏi “Thương hiệu là gì?”, Cựu Bộ trưởng Trương Đình Tuyển có cuộc trao thú vị với Bà Vũ Kim Hạnh (hiện là Chủ tịch Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao): “Định nghĩa “Thương hiệu” rất nhiều chi tiết, vậy đơn giản hơn thì điều đó sẽ thể hiện ở bao bì, khẩu hiệu phải không?”
Bà Vũ Kim Hạnh lúc đó đã trả lời rất hay rằng:“Thương hiệu đơn giản là “cái hiệu” mà người ta “thương”.”
Thật vậy, trong nhiều năm qua, thương hiệu hàng Việt đã luôn có những chỗ đứng rất vững chãi trong trái tim người tiêu dùng cả nước. Sắp tới đây, sự vươn mình ra biển lớn với tên gọi tự hào “Food of Vietnam”, thì từ nhà Doanh nghiệp hay nhà Nông phải luôn gửi gắm vào đó những cái “Tâm” và niềm tự hào Việt Nam, để bạn bè Quốc tế cũng sẽ “thương” sản phẩm Việt ngay từ khi biết tới.
Nguyễn Việt Hùng