Những “mảng sáng” trong bức tranh kinh tế 9 tháng năm 2020
Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, 9 tháng đầu năm 2020 tăng trưởng GDP đạt 2,12% – mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020.
Tuy nhiên đặt trong bối cảnh đại dịch Covid – 19 hoành hành tàn phá nghiêm trọng mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội của các quốc gia trên thế giới thì con số tăng trưởng GDP 2,12% thực sự là một thành công lớn của Việt Nam trong phòng chống dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế.
Trong 9 tháng qua, GDP khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,84%, đóng góp 13,62% vào tăng trưởng GPD cả nước; tương tự GDP khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,08%, đóng góp 53,35%; GDP khu vực dịch vụ tăng 1,37%, đóng góp 28,03%.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2020 tăng 0,12% so với tháng trước và tăng 0,01% so với tháng 12/2019. CPI tháng 9 tăng chủ yếu do giá dịch vụ giáo dục được điều chỉnh tăng theo lộ trình nhằm tiệm cận với giá thị trường, giá điện sinh hoạt tăng do nhu cầu sử dụng điện trong thời tiết nắng nóng, giá gạo trong nước tăng do giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ở mức cao nhất kể từ năm 2011. Bình quân 9 tháng năm 2020, CPI tăng 3,85% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng năm 2020 tăng 2,59% so với bình quân cùng kỳ năm 2019
Do dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nên tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 9 tháng năm 2020 theo giá hiện hành chỉ tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2019, mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Tính chung 9 tháng qua, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành ước tính đạt 1.445.400 tỷ đồng và bằng 34,7% GDP.
Trong 9 tháng qua, cả nước có gần 99.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.428.500 tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 777.900 lao động, giảm 3,2% về số doanh nghiệp, tăng 10,7% về vốn đăng ký và giảm 16,3% về số lao động so với cùng kỳ năm 2019. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 14,4 tỉ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Về xu hướng kinh doanh, Tổng cục Thống kê cho biết có 34.600 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2019, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng qua lên 133.600 doanh nghiệp, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2019. Bên cạnh đó còn có 38.600 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 81,8% so với cùng kỳ 2019; 27.600 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, giảm 2,4%; gần 12.100 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 0,1%; 36.500 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 39,6%.
Trong bối cảnh dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp trên thế giới làm đứt gãy thương mại quốc tế, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng dương. Tính chung trong 9 tháng năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 388,73 tỷ USD, tăng 1,8%, trong đó: kim ngạch xuất khẩu đạt 202,86 tỉ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 185,87 tỷ USD, giảm 0,8%. Tính chung 9 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục xuất siêu 16,9 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 7,27 tỷ USD); trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 10,52 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 27,5 tỷ USD.
Kim Phương