Những đỉnh mới của nền kinh tế Việt Nam
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, kinh tế Việt Nam năm 2019 tiếp tục đạt nhiều thành tựu với những kỷ lục mới và hứa hẹn triển vọng tích cực trong những năm tới. Với những kết quả này, dù còn không ít khó khăn, thách thức và tồn tại, hạn chế, 2019 là năm thứ hai liên tiếp chúng ta đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao; tạo cơ sở vững chắc, tạo đà và động lực mới, khí thế mới cho việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2020 và 5 năm 2016 – 2020.
Trong đó, trước hết phải tính tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt khoảng 7%, thuộc hàng cao nhất thế giới và khu vực. Trong khi đó, nhiều tổ chức nhận định, kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng tăng trưởng chậm với nhiều rủi ro và bất ổn gia tăng. Thậm chí, hồi tháng 10 vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu 2019 có thể giảm xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.
Cùng với tốc độ tăng trưởng GDP ở mức cao, kinh tế vĩ mô vẫn ổn định và mặc dù chịu ảnh hưởng từ giá thịt lợn tăng cao, song nhiều khả năng chỉ số giá tiêu dùng cả năm vẫn sẽ nằm trong chỉ tiêu Quốc hội giao.
Đáng lưu ý, kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu tiên cán mốc 500 tỷ USD, chỉ 2 năm sau khi đạt thành tích 400 tỷ USD. Thành tích này càng có ý nghĩa trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới suy giảm xuất nhập khẩu, giúp Việt Nam xuất siêu năm thứ 4 liên tiếp.
Qua 11 tháng đầu năm, cả nước đã xuất siêu gần 11 tỷ USD, mức xuất siêu kỷ lục từ trước tới nay và cả năm có thể xuất siêu 10 tỷ USD. Kết quả này giúp Việt Nam lọt Top 30 quốc gia có tăng trưởng XNK tốt trên thế giới. Nếu xét về tăng trưởng cả giai đoạn lên đến 13% thì Việt Nam thuộc top đầu thế giới duy trì tăng trưởng cao, bền vững.
Một kết quả ấn tượng khác là đầu tư xã hội, năng lực sản xuất kinh doanh tăng mạnh. Tính đến tháng 11 đã có 127.000 doanh nghiệp thành lập mới với 1,5 triệu tỷ đồng vốn và dự tính cả năm nay sẽ có khoảng 138.000 doanh nghiệp thành lập mới và 38.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Đặc biệt, có tới gần 40.000 doanh nghiệp tăng vốn với số vốn khoảng 2 triệu tỷ đồng, nhiều hơn cả số vốn đăng ký mới.
Với xếp hạng cao về thu hút đầu tư, đứng thứ 8 trong số các nước đáng đầu tư nhất, vượt 23 bậc so với năm ngoái, Việt Nam tiếp tục thu hút đầu tư kỷ lục đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong 11 tháng năm 2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 31,8 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2018. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 17,62 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Dù còn nhiều việc phải làm, song môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Đặc biệt, với việc tăng 3,5 điểm và 10 bậc theo đánh giá của WEF, Việt Nam trở thành quán quân trong cuộc đua cải thiện thứ hạng trong Bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019. Theo cộng đồng doanh nghiệp, đây là kết quả minh chứng cho nỗ lực bền bỉ trong cải cách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua. Việt Nam lần đầu tiên vươn lên trong nửa trên của bảng xếp hạng thế giới, vị trí 67 trên 141 nền kinh tế được xếp hạng.
Đời sống nhân dân được nâng lên khi với quy mô GDP ước đạt hơn 266 tỷ USD, bình quân GDP đầu người đạt gần 2.800 USD. Đáng lưu ý, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,45%. Trong chuyến thăm và làm việc mới đây của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Myanmar, các nhà lãnh đạo nước này cho rằng đây là thành tựu “đáng kinh ngạc” của Việt Nam. Còn theo UNDP, Việt Nam đã tạo ra một câu chuyện huyền thoại trong công cuộc giảm nghèo.
Cũng theo tổ chức này, Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng chỉ số HDI cao nhất trên thế giới và với chỉ số HDI năm 2019 là 0,63, Việt Nam xếp thứ 118 trong tổng số 189 nước. Việt Nam cũng đang ở gần mức trần của nhóm các nước có HDI ở mức trung bình và chỉ cần thêm 0,007 điểm để vào được nhóm các nước có HDI ở mức cao.
Năm 2019 cũng ghi những dấu ấn mới của du lịch – ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Trong đó, tháng 11/2019 ghi nhận mốc mới với lượng khách quốc tế đạt trên 1,8 triệu lượt người, cao nhất từ trước đến nay. Tháng 12/2019 cũng vẫn là thời gian cao điểm đón khách du lịch quốc tế đến nên ngành du lịch tin tưởng rằng mục tiêu đề ra cho cả năm sẽ đạt được.
Một kết quả rất đáng mừng khác là thu ngân sách ước đạt trên 1,6 triệu tỷ đồng. Qua 11 tháng của năm 2019, bội thu ngân sách Nhà nước ước đạt 114,5 nghìn tỷ đồng. Điều này càng khẳng định đây đang là giai đoạn thu ngân sách tốt nhất kể từ năm 2013, đồng thời, chủ trương chung về siết chặt, giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển và quản chặt bội chi ngân sách Nhà nước đã được thực hiện chặt chẽ.
Cùng với đó, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; kỷ luật, kỷ cương tài chính – ngân sách nhà nước được tăng cường; nợ công giảm mạnh, xuống mức 55% GDP và ngày càng thấp xa hơn mức trần do Quốc hội quy định. Thị trường tiền tệ ổn định; cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện; dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng cao, đạt trên 70 tỷ USD.
Một tín hiệu rất tích cực của nền kinh tế năm 2019 là sự phát triển của các doanh nghiệp. Trong danh sách 200 công ty có doanh thu trên 1 tỷ USD tốt nhất tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương do Forbes Asia 2019 công bố danh sách, có 7 doanh nghiệp của Việt Nam. Cũng trong danh sách tỷ phú USD thế giới được Forbes vinh danh, đã có 5 tỷ phú USD đến từ Việt Nam. Cùng với đó, có những doanh nghiệp Việt Nam đã hướng tới đột phá trong sản xuất công nghiệp và công nghệ với những dự án đầy tham vọng với hy vọng vươn ra thị trường quốc tế.
Ở trong nước, các ý kiến đánh giá cho rằng kết quả toàn diện nói trên thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước; sự chỉ đạo điều hành đúng hướng, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, các cấp, các ngành; sự giám sát chặt chẽ, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về chính sách pháp luật của Quốc hội; hoạt động hiệu quả của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội; đặc biệt là sự đoàn kết, quyết tâm, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, góp phần quan trọng củng cố niềm tin, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội.
Trên cơ sở kết quả đã đạt được, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia đã xây dựng 2 kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025. Theo đó, với nhiều khả năng xảy ra hơn, tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021-2025. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát ở mức từ 3,5-4,5%/năm. Năng suất lao động được cải thiện hơn với tốc độ tăng trưởng khoảng 6,3%năm.
Một kịch bản khác, nếu Việt Nam có thể tận dụng được công nghệ từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thu hút đầu tư có sự cải thiện chất lượng, phát triển tốt nền tảng kinh tế hiện tại, có kỳ vọng GDP tăng trưởng 7,5%/năm.
Từ bên ngoài, các tổ chức quốc tế tiếp tục có những nhận định và dự báo lạc quan về kinh tế Việt Nam. Ngược lại với xu hướng hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lại điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam từ mức 6,8% lên 6,9% cho năm 2019 và từ mức 6,7% lên 6,8% cho năm 2020.
Còn Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế Việt Nam sẽ đạt kết quả tích cực trong năm 2019 với tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,8%, với những kết quả ấn tượng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chững lại.
Về triển vọng kinh tế Việt Nam trước mắt và trong trung hạn, WB cho rằng, với mức tăng trưởng khoảng 6,5% trong những năm tới đây, triển vọng phát triển của kinh tế Việt Nam là rất tích cực. Các yếu tố căn bản của nền kinh tế vẫn khá vững vàng.
Huy Hoàng