Nhóm Bộ tứ cam kết thúc đẩy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ‘không bị cưỡng ép’
Mặc dù không đề cập đến Trung Quốc, nhưng các nhà lãnh đạo của bốn nền dân chủ lớn – Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia – đã nhắc lại cam kết của họ đối với một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, “không bị ép buộc”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh bốn nhà lãnh đạo vào thứ Sáu, nơi các thủ tướng của Ấn Độ, Nhật Bản và Australia tập trung tại Washington, D.C., cho cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của họ.
Tuyên bố chung có đoạn: “Các bên đồng ý thúc đẩy trật tự tự do, cởi mở, dựa trên quy tắc, luật pháp quốc tế và không bị ép buộc, để củng cố an ninh và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương và hơn thế nữa”.
Tuyên bố không đề cập đến Trung Quốc hoặc ảnh hưởng đang gia tăng của nước này trong khu vực, khi nước này ngày càng quyết đoán hơn ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, đồng thời thường xuyên tuần tra các vùng biển ở đó.
Tuyên bố có đoạn: “Chúng tôi ủng hộ pháp quyền, tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp, các giá trị dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia”.
Trong một số giới học giả, Bộ tứ được coi là một liên minh chống Trung Quốc một phần do các động thái ngày càng gây hấn của Bắc Kinh ở Biển Hoa Đông và Biển Đông trong những năm gần đây.
Bốn thành viên đã tham gia các cuộc tập trận hải quân chung và tăng cường quan hệ đối tác quốc phòng với nhau. Tuy nhiên, nhóm đã tránh đề cập rõ ràng đến Trung Quốc trong các tuyên bố công khai của mình, thay vào đó tập trung vào các vấn đề chung như Covid-19 và sức khỏe toàn cầu, cơ sở hạ tầng và biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, sự hiện diện của Bắc Kinh vẫn là một cái gai. Harsh Pant, người đứng đầu chương trình nghiên cứu chiến lược tại Quỹ Nghiên cứu Observer ở New Delhi, cho biết sự hiện diện của Trung Quốc có thể thấy rõ trong tất cả các sáng kiến mà các nước thành viên Bộ tứ muốn theo đuổi, bao gồm ngoại giao vắc xin, cơ sở hạ tầng, hợp tác công nghệ và an ninh hàng hải.
Pant nói: “Ý tưởng ở đây là để các quốc gia này cung cấp giải pháp thay thế cho những gì Trung Quốc đang cố gắng cung cấp thông qua mô hình của riêng họ”.
Về phần mình, Trung Quốc cho rằng liên minh Bộ tứ “chắc chắn sẽ thất bại”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Sáu trước khi các nhà lãnh đạo Bộ tứ gặp nhau: “Một liên minh kín, độc quyền nhắm vào các nước khác đi ngược lại xu thế thời đại và nguyện vọng của các nước trong khu vực. Họ sẽ không tìm thấy sự hỗ trợ và chắc chắn sẽ thất bại”.
Hùng Anh