Nhiều tín hiệu lạc quan trong xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang EU
Bất chấp tác động của đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam sang thị trường EU trong nửa đầu năm 2021 vẫn tăng cao, ước đạt 314 triệu USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 6 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới các thị trường trong khối EU đều tăng khá, trong đó dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu là thị trường Đức đạt 62,23 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái; tiếp theo là thị trường Pháp đạt 55,04 triệu USD, tăng 29%; thị trường Hà Lan đạt 45,47 triệu USD, tăng 60%…
Theo dự báo của các chuyên gia, trong những tháng còn lại của năm, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam sang thị trường EU sẽ tiếp tục tăng mạnh khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát, EU dần nới lỏng các biện pháp phòng dịch, mở cửa thông thương thuận tiện hơn. Bên cạnh đó nhu cầu nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đang dần hồi phục; nền kinh tế các quốc gia thuộc EU ngày càng khởi sắc; Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được thực thi một cách toàn diện, hiệu quả hơn….cũng là những điều kiện vô cùng thuận lợi, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường chung EU. Ông Bùi Chính Nghĩa – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) hồ hởi cho biết tính đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ trong nước đã nhận được rất nhiều đơn đặt hàng, nhất là từ các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU….
Cũng theo ông Nghĩa, thường vào những dịp cuối năm, nhu cầu sửa chữa, hoàn thiện nhà ở sẽ tăng mạnh kéo nhu cầu tiêu thụ đồ nội thất bằng gỗ tăng theo. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, các quốc gia trong khối EU sản xuất đồ nội thất bằng gỗ chính có xu hướng tăng nhập khẩu từ các quốc gia ngoài EU nhờ vào ưu điểm giá thấp nhưng mẫu mã vẫn rất đa dạng, thu hút được người tiêu dùng.
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU tăng mạnh song đồ nội thất bằng gỗ của EU nhập khẩu từ Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng thấp. Điều này cũng phần nào cho thấy việc mở rộng thị trường cho các mặt hàng gỗ của Việt Nam xuất khẩu vào EU vẫn còn dư địa rất lớn. Lợi ích đối với ngành gỗ khi EVFTA được ký kết là việc giảm các rào cản phi thuế quan như: truy xuất nguồn gốc, trách nhiệm giải trình khi xuất hàng, tạo uy tín thương hiệu gỗ Việt Nam… Ngoài ra sự hỗ trợ của Hiệp định EVFTA trong quá trình nhập khẩu máy móc hiện đại cũng sẽ giúp tăng năng suất và sức cạnh tranh của ngành gỗ Việt Nam tại thị trường EU.
Tuy nhiên bên cạnh những mặt thuận lợi, các chuyên gia cho rằng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào EU cũng sẽ đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhất là khi dịch bệnh Covid-19 tại thị trường lớn này vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp; chi phí logistics tăng cao và tình trạng thiếu container rỗng. Đó là chưa kể đến giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao; việc nhập khẩu nguyên liệu gỗ, nguyên phụ liệu phụ trợ phục vụ cho công tác chế biến cũng đang gặp rất nhiều khó khăn.
Hoàng Anh