Nhiều nơi cải cách thực chất, nhưng vẫn có những nơi làm đối phó

Đây là nhận định được đưa ra tại hội thảo công bố báo cáo tình hình triển khai các Nghị quyết 02 và 35 của Chính phủ từ góc nhìn của doanh nghiệp do Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 17/12. Thực tế, có  lĩnh vực không có cải cách nào trong 13 năm qua.

Báo cáo cho thấy, môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã có những cải thiện theo thời gian. Các chỉ số đánh giá của thế giới cũng như kết quả khảo sát cảm nhận của doanh nghiệp Việt Nam và nhận định của nhiều chuyên gia đều cho thấy chung kết quả này.

Tuy nhiên, đang có sự cải cách không đồng đều trong các lĩnh vực. Một số lĩnh vực liên tục có sự chuyển biến tích cực cả về xây dựng chính sách lẫn thực thi, nhưng một số lĩnh vực khác lại chưa có những cải thiện đáng kể trong nhiều năm qua. “Nói cách khác, có cơ quan rất nỗ lực cải cách thực chất, nhưng cũng có những cơ quan thực hiện một cách đối phó, hình thức”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI cho biết.

Những nhận định trên là tương đồng với đánh giá về Việt Nam của Ngân hàng Thế giới trong loạt Báo cáo Mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh (Doing Bussiness). Cụ thể, trong 13 báo cáo Doing Business, từ 2009 đến 2020, Việt Nam có 33 cải cách được ghi nhận. Trong đó, hai năm có nhiều cải cách nhất là Doing Business 2016 và Doing Business 2018 với 5 cải cách mỗi năm.

Hai năm trở lại đây, số lượng cải cách được ghi nhận giảm xuống chỉ còn 3 cải cách năm của Doing Business 2019 và 2 cải cách trong Doing Business 2020. Lĩnh vực nộp thuế và tiếp cận tín dụng có nhiều biện pháp cải cách được ghi nhận nhất, 8 cải cách cho mỗi lĩnh vực.

Năm nay, Doing Business 2020 tiếp tục ghi nhận cải cách duy nhất của Việt Nam ở lĩnh vực nộp thuế và tiếp cận tín dụng. Riêng lĩnh vực đăng ký tài sản (đăng ký đất đai và tài sản gắn liền với đất) của Việt Nam không có cải cách nào trong 13 năm qua, theo Doing Business.

Kết quả khảo sát của VCCI cho thấy, các lĩnh vực về đăng ký thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng vẫn tiếp tục được các doanh nghiệp đánh giá cao. Các lĩnh vực này vẫn liên tục có những cải thiện trong những năm trở lại đây và được các doanh nghiệp ghi nhận.

Trong khi đó, các lĩnh vực về phá sản doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư và thủ tục xuất nhập khẩu vẫn chưa có những cải thiện đáng kể theo đánh giá của các doanh nghiệp.

Mặt khác, khi so sánh tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá có cải thiện giữa các năm từ 2017 đến 2019 thì thấy kết quả được đánh giá cao hơn rõ rệt. Tất cả 11 lĩnh vực của Nghị quyết 19 đều có sự cải thiện trong con mắt các doanh nghiệp. Điểm trung bình đã tăng từ mức 51,7% của năm 2017 và 2018 lên mức 57,5% của năm 2019. Đây là kết quả chứng tỏ nhiều biện pháp cải cách của các ngành và lĩnh vực trong các năm trước đó đã được doanh nghiệp ghi nhận.

Nếu xem xét ở phạm vi cấp tỉnh thì mức độ chuyển biến của các tỉnh thành phố Đồng bằng sông Cửu Long là cao nhất cả nước. Những tỉnh có kết quả được doanh nghiệp đánh giá cao nhất là Đồng Tháp, Tây Ninh, Bến Tre, Kiên Giang. Ở chiều ngược lại, các tỉnh thành phố được đánh giá ít chuyển biến là Cao Bằng, Điện Biên, Bắc Kạn, Thanh Hoá.

Do đó, báo cáo đưa ra khuyến nghị cho 13 nhóm chỉ số về khởi sự kinh doanh; nộp thuế; giấy phép xây dựng và giấy phép liên quan; quản lý đất đai và đăng ký bất động sản, cải cách tư pháp, giải quyết tranh chấp và phá sản; hạ tầng và tiếp cận điện năng; cải cách điều kiện đầu tư kinh doanh; xuất nhập khẩu hàng hoá và kiểm tra chuyên ngành; kiểm soát tham nhũng và giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp; cổng dịch vụ công; tính ổn định của chính sách; cạnh tranh bình đẳng; minh bạch công tác thanh tra, kiểm tra.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Nghị quyết 02 năm 2019 và Nghị quyết 35 năm 2016 của Chính phủ có những mục tiêu cụ thể, nổi bật là mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp và vào nhóm ASEAN-4 trong cuộc đua về năng lực cạnh tranh.

Theo đó, cần đặt hành trình cải cách của Việt Nam vào cuộc đua toàn cầu về năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh. “Cỗ xe” thể chế với rất nhiều bánh xe, rất nhiều khớp nối như hệ thống thể chế nhưng sẽ rất thuận lợi cho phát triển nếu các bánh xe này khớp nhau. Tuy nhiên thực tế chưa được như vậy.

Theo Chủ tịch VCCI, sau những nỗ lực, từ 2014 đến 2018, Việt Nam đã tăng 30 bậc về năng lực cạnh tranh, nhưng vẫn đang ở mức trung bình của thế giới, năng lực cạnh tranh trong ASEAN chưa vào top 4. “Nếu chừng nào chúng ta còn hài lòng với thể chế trung bình thì không thể vượt khỏi bẫy thu nhập trung bình, phải là thể chế vượt trội”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh. Đồng thời cho rằng phải vượt ít nhất 42 bậc nữa để có thể bước vào nhóm 4 ASEAN. Đó là một hành trình gian nan.

Trong Nghị quyết 35 đã coi doanh nghiệp tư nhân là động lực phát triển của nền kinh tế, đây cũng là định hướng quan trọng, trong đó khu vực tư nhân phải đóng góp 48% GDP vào năm 2020. Để khu vực tư nhân trong nước đạt mục tiêu này không phải là khó. Tuy nhiên, mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh trong top 4 ASEAN vào năm 2020 lại là mục tiêu khó khăn.

Cùng với đó, những ý kiến của doanh nghiệp đã được tiếp thu nhưng vẫn cần tiếp tục thúc đẩy để cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Cải thiện môi trường kinh doanh còn “khấp khểnh”. Trong những lĩnh vực cải cách nổi bật có thuế, hải quan, tín dụng…

Tuy nhiên, ngay cả các lĩnh vực đã đạt được điểm đột phá và tiên phong như vậy vẫn còn khoảng cách xa so với thế giới như thủ tục hành chính lĩnh vực thuế 384 giờ trong khi Châu Á – Thái Bình Dương chỉ 173 giờ. Còn nhiều lĩnh vực hầu như không có cải thiện trong nhiều năm qua.

TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, còn nhiều dư địa để phát triển doanh nghiệp khi những doanh nghiệp đi sau có thể học hỏi kinh nghiệm của những địa phương đi trước. Sự chậm trễ của cải cách thủ tục hành chính vẫn đang là điểm nghẽn.

Kết quả điều tra PCI cho thấy, các doanh nghiệp cho rằng khả năng dự đoán thay đổi chính sách  đối với quy định pháp luật của Trung ương có xu hướng giảm trong các năm qua. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết họ luôn luôn hoặc thường xuyên dự đoán được thay đổi chính sách giảm từ mức 16% trong năm 2014 xuống còn 5% trong năm 2018.

Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp không bao giờ hoặc hiếm khi dự đoán được nội dung chính sách tăng từ mức 42% trong năm 2014 lên mức 67% trong năm 2018. Sự suy giảm khả năng dự đoán chính sách này là xu hướng nhất quán trong 5 năm qua. “Đây là một thực tế rất đáng quan ngại về môi trường đầu tư tại Việt Nam”, báo cáo viết.

“Chúng ta hay nói Việt Nam có “rừng vàng biển bạc”, ý muốn nói đến tài nguyên dành cho phát triển kinh tế. Nhưng hiện giờ để có thể tiếp tục phát triển, chúng ta không chỉ cần đến “rừng vàng, biển bạc” mà còn cần cả “thể chế kim cương”. “Thể chế kim cương” có nghĩa là thể chế phải trong sạch, minh bạch như kim cương, và cũng phải ổn định, vững chắc như kim cương”, Chủ tịch VCCI nói và cho rằng đó là tinh thần của Nghị quyết 02 và Nghị quyết 35.

Xét về tổng thể, điểm sáng đáng ghi nhận là tỷ lệ doanh nghiệp cho biết các doanh nghiệp cùng ngành thường phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức có xu hướng giảm từ mức 66% năm 2016 xuống mức 54,8% năm 2018.

Ngày 9/11/2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết 139/NQ-CP về Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Một trong những mục tiêu chính của Nghị quyết này là giảm một nửa tỷ lệ doanh nghiệp cho biết các doanh nghiệp cùng ngành thường phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức vào năm 2020, xuống mức dưới 30%. Để làm được điều này thì đòi hỏi các nỗ lực chống tham nhũng phải được thực hiện mạnh hơn nữa.

Điểm sáng thứ hai là tỷ lệ các doanh nghiệp phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức đã giảm từ mức 9,1% năm 2016 và 9,8% năm 2017 xuống mức 7,1% trong năm 2018. Xét về mặt giá trị, chi phí dành cho tham nhũng đối với các doanh nghiệp cũng có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết chi phí không chính thức ở mức chấp nhận được tăng từ mức 79% lên mức 81%.

Huy Hoàng