Nhiều “điểm sáng” trong hoạt động xử lý nợ xấu
Ngày 21/6/2017, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) với mục tiêu pháp điển hoá những quy định cụ thể về xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng; nâng cao vai trò, năng lực của Công ty thu mua nợ quốc gia (VAMC). Sau 1 năm triển khai Nghị quyết, hoạt động xử lý nợ xấu đã diễn ra thuận lợi hơn; diện mạo một thị trường mua bán nợ theo đúng nguyên tắc của thị trường đã dần định hình.
Chủ tịch Agribank cho biết việc xử lý nợ xấu vẫn còn khó khăn
Tại Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết 42, lãnh đạo NHNN và các ngân hàng thương mại đều khẳng định Nghị quyết 42 đã tạo ra những dấu ấn rõ nét và chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020. “Điểm sáng” đáng ghi nhận là quyền chủ nợ đã được khẳng định và bảo vệ thông qua các quy định rõ ràng về quyền thu giữ tài sản; công tác giám sát ngân hàng tiếp tục được đổi mới và tăng cường trên cơ sở hoàn thiện, triển khai các công cụ, phương pháp giám sát mới gắn liền với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển cơ sở dữ liệu và hệ thống tiêu chí giám sát; quyền ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ khi xử lý tài sản bảo đảm của khách hàng, bên bảo đảm để thu hồi nợ, quan hệ của chủ thể là đối tượng đi vay và người đi vay trở về đúng bản chất của giao dịch dân sự kinh tế, có vay phải có trả. Nhờ vậy VAMC và các TCTD đã tự tin hơn trong hoạt động xử lý nợ xấu, nợ xấu được xử lý nhanh chóng, thực chất và hiệu quả hơn.
Đại diện NHNN cho biết những giải pháp tháo gỡ đã tạo ra triển vọng và niềm tin đối với hệ thống các TCTD và nhân dân trong việc xử lý một cách có hiệu quả nợ xấu trong nền kinh tế. Nhờ vậy mà năng lực tài chính của các TCTD được củng cố, vốn điều lệ tăng nhanh dần qua các năm. Tính đến 30/6/2018, vốn điều lệ của toàn hệ thống ước đạt 519.000 tỷ đồng, tăng 1,3% so với cuối năm 2017, tăng 6,3% so với cuối năm 2016. Vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống ước đạt 720.430 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cuối năm 2017, tăng 21,1% so với cuối năm 2016. Chất lượng tín dụng được cải thiện, tỷ lệ nợ xấu so với tổng nợ giảm còn 2,09% tính tới cuối tháng 6/2018 (thời điểm 31/12/2016 tỷ lệ này là 2,46%).
Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 42, hệ thống TCTD đã xử lý được 138.290 tỷ đồng nợ xấu (không bao gồm 61.040 tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng). Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng là 70.230 tỷ đồng (chiếm 50,78%), xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 21.590 tỷ đồng (chiếm 15,61%) và xử lý các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 46.460 tỷ đồng (chiếm 33,59%). Đến cuối tháng 6/2018, tỷ lệ nợ xấu so với tổng nợ là 2,09% giảm so với thời điểm 31/12/2016 (2,46%).
Về phía VAMC, ông Nguyễn Tiến Đông – Chủ tịch VAMC cho biết tính đến hết ngày 15/8/2018 doanh nghiệp này đã phối hợp với các TCTD xử lý nợ đạt 98.976 tỷ đồng trên 309,711 tỷ đồng đối với các khoản nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt. Đặc biệt sau khi có Nghị quyết 42, riêng năm 2017 và 8 tháng đầu năm 2018, VAMC đã thu hồi được 48.017 tỷ đồng, tức gần bằng tổng giá trị thu hồi nợ của cả 4 năm trước đó.
Một “điểm sáng” đáng ghi nhận nữa là nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đã có những đánh giá rất tích cực về hệ thống ngân hàng Việt Nam, góp phần quan trọng củng cố và nâng cao niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Mới đây, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã nâng mức xếp hạng tín nhiệm của 12 ngân hàng Việt Nam.
Tuy nhiên bên cạnh những thành quả khởi sắc đạt được, đại diện các ngân hàng, các chuyên gia có mặt tại Hội nghị đều nhận định vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai Nghị quyết 42; trong đó vấn đề đáng lo ngại là tỷ lệ nợ xấu vẫn còn cao (cả nợ nội bảng lẫn ngoại bảng hiện khoảng 6,6% trên tổng dư nợ); vẫn còn nhiều trường hợp khách hàng lớn chây ỳ, có dấu hiệu tẩu tán tài sản, không hợp tác trả nợ; chưa định hình được thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp khiến mua bán nợ xấu chưa sôi động, chưa có nhiều các thương vụ lớn…. Thực tế này đòi hỏi trong thời gian tới ngành Ngân hàng phải tận dụng tối đa các lợi thế để xử lý nợ xấu đạt hiệu quả cao hơn; đồng thời cần sự chung sức đồng lòng và nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là sự hỗ trợ, phối hợp của các bộ, ngành, địa phương trong xử lý nợ xấu.
Theo : Nguyễn Cường