Nhật Bản và nguy cơ bị đá bật khỏi cuộc chạy đua công nghệ bán dẫn toàn cầu

Cuộc đua sản xuất chíp giữa Mỹ và Trung Quốc khiến Nhật Bản cảm thấy bị đe dọa sẽ mất đi vị thế của mình trong ngành bán dẫn toàn cầu.

Bộ vi điều khiển của nhà sản xuất chip Nhật Bản Renesas Electronics được chụp tại trụ sở công ty ở Tokyo ngày 28/5/2012. Ảnh: Reuters

Nguy cơ tụt hậu

Theo đại diện Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI), trong vòng 3 thập kỷ qua đất nước mặt trời mọc đã không còn duy trì được vị trí dẫn đầu trong ngành bán dẫn. Chính chính sách cạnh tranh về giá của các đối thủ đã khiến thị phần sản xuất chip toàn cầu của nước này giảm mạnh từ một nửa xuống còn một phần mười.

Trong khi đó Trung Quốc và Mỹ, vốn bị thúc đẩy bởi cuộc chiến thương mại và những lo ngại về an ninh quốc gia đã dồn lực hỗ trợ ngành sản xuất chip bán dẫn trong nước. Cuộc chạy đua của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới khiến các quan chức Nhật Bản lo ngại ngành bán dẫn nước này sẽ bị đá bật ra khỏi đường đua. Đến nỗi cựu Thủ tướng Nhật Bản – ông Shinzo Abe cũng phải lên tiếng cảnh báo trong một cuộc thảo luận tìm cách đưa xứ sở Phù Tang vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế kỹ thuật số hàng đầu thế giới: “Chúng ta không nên tự thỏa mãn với những gì đã làm được mà phải nỗ lực hơn nữa để nâng cấp lên một tầm cao mới”

Các tài liệu do METI công bố hồi đầu năm nay cho thấy Nhật Bản đang đứng trước nguy cơ bị đá bật ra khỏi cuộc chạy đua công nghệ, trong đó nhiểu khả năng thị phần chip bán dẫn sẽ giảm về không vào năm 2030. Hiện nay mối quan tâm hàng đầu của các quan chức Nhật Bản chính là tương lai của các công ty đầu thế giới của nước này hoạt động trong lĩnh vực cung cấp nguyên liệu sản xuất chip (tấm silicon, màng hóa chất, máy móc sản xuất…). Các quan chức Nhật Bản lo ngại rằng với việc thu hút các công ty sản xuất chip lớn của châu Á (điển hình như TSMC của Đài Loan) về với mình, Mỹ cũng hoàn toàn có thể thu hút các nhà cung cấp của Nhật (nhà sản xuất tấm wafer Shin-Etsu Chemical và Sumco Corp; nhà cung cấp chất quang điện quang JSR Corp; các nhà chế tạo máy móc sản xuất Screen Holdings và Tokyo Electron) vào theo. “Những đổi thay này không đến ngay lập tức nhưng có thể xảy ra trong dài hạn”, ông Kazumi Nishikawa – Giám đốc ngành công nghệ thông tin tại METI cảnh báo.

Theo các chuyên gia, để giữ chân các công ty trong dài hạn, Nhật Bản cần có các xưởng đúc chip bán dẫn để tiêu thụ các sản phẩm mà các công ty này làm ra như thiết bị máy móc, tấm wafer, màng hóa chất…; đồng thời phải đảm bảo nguồn cung chất bán dẫn ổn định cho các công ty sản xuất ôtô và thiết bị điện tử.

Cần những khoản hỗ trợ lớn hơn

Lo ngại những ảnh hưởng từ tham vọng thống trị của Trung Quốc, hiện TSMC đang tìm cách mở rộng căn cứ ra nước ngoài. Cụ thể họ đã thành lập một trung tâm nghiên cứu và phát triển gần thủ đô Tokyo; đồng thời đang xem xét kế hoạch xây dựng một nhà máy chế tạo ở Nhật Bản.

Tuy nhiên tính đến thời điểm hiện tại, liên doanh nước ngoài lớn nhất của TSMC vẫn là một nhà máy bán dẫn trị giá 12 tỷ USD hiện đang trong giai đoạn xây dựng ở bang Arizona (Mỹ). Hồi tháng 6/2021, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã phê duyệt chiến lược do nhóm của ông Nishikawa đề ra nhằm đảm bảo Nhật Bản có đủ nguồn chip bán dẫn để cạnh tranh trong các công nghệ sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong tương lai (trí tuệ nhân tạo, 5G, xe tự lái….). Ngoài ra xứ Phù Tang cũng đang nỗ lực vươn lên trở thành trung tâm dữ liệu hàng đầu châu Á nhằm tạo ra nhu cầu lớn về chất bán dẫn, tạo tiền đề thu hút các nhà sản xuất chip xây dựng các nhà máy gần đó.

Suy cho cùng, có thể thấy nguồn lực tài chính vẫn là nhân tố quyết sự thành công của chính sách phát triển công nghiệp. Thời gian qua Chính phủ Nhật Bản đã phân bổ 500 tỷ Yên (4,5 tỷ USD) để củng cố chuỗi cung ứng công nghệ, tích cực đồng hành cùng các công ty đang đối mặt với tình trạng thiếu chip và các linh kiện khác trong đại dịch, đồng thời thúc đẩy công cuộc chuyển đổi sang 5G.

Tuy nhiên nếu so với chính sách hỗ trợ của các nước khác, có thể thấy con số 4,5 tỷ USD là khá khiêm tốn, đúng như chia sẻ của đại diện Hiệp hội Công nghiệp Công nghệ Thông tin và Điện tử Nhật Bản (JEITA): “Với mức hỗ trợ hiện tại sẽ rất khó để chắp cánh cho ngành công nghiệp bán dẫn của Nhật bay cao, vươn xa hơn nữa. Mong mỏi của chúng tôi là Chính phủ sẽ có các gói ưu đãi, hỗ trợ trị giá lớn hơn, có thể sánh ngang với các quốc gia khác trên thế giới”.

Trong khi Nhật vẫn còn dè dặt trong đầu tư phát triển thì Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật 190 tỷ USD cho công nghệ mới, bao gồm 54 tỷ USD cho ngành chip. Phía Liên minh châu Âu cũng có kế hoạch chi 135 tỷ Euro (159 tỷ USD) để phát triển nền kinh tế kỹ thuật số của họ.

Để sánh ngang với các đối thủ đòi hỏi Nhật Bản sẽ phải dành ra những khoản hỗ trợ lớn hơn. Tuy nhiên theo lời của ông Akira Amari – Cựu Bộ trưởng METI thì với tình hình tài chính như hiện tại, Nhật Bản sẽ rất khó để chạy đua công nghệ với Mỹ, EU và Trung Quốc.

Bảo Anh