Nhật Bản lo ngại về sự gia tăng gây hấn từ Trung Quốc trên Biển Đông
Căng thẳng ở Biển Đông vẫn ở mức cao do không chỉ có tranh chấp về vùng biển mà còn cả tình hình xung quanh đảo Đài Loan. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản hiện đã hối thúc các nhà lãnh đạo châu Âu hành động trước hành động gây hấn ngày càng gia tăng từ Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi đã kêu gọi lãnh đạo các quốc gia châu Âu xích lại gần nhau và lên án các hành động gây hấn ngày càng gia tăng của Bắc Kinh trong khu vực.
Phát biểu với Guardian, ông Kishi cho rằng quân đội Trung Quốc đang ngày càng gia tăng sức mạnh và đang cố gắng sử dụng sức mạnh của mình để thay đổi hiện trạng ở cả Biển Hoa Đông và Biển Đông. Kishi nói thêm rằng bản thân Trung Quốc đang trở nên hùng mạnh hơn về mặt chính trị và kinh tế, điều này đã trở thành mối quan tâm của Tokyo.
Ông Kishi nói: “Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh quân sự cả về số lượng và chất lượng, đồng thời cải thiện nhanh chóng hoạt động tác chiến của mình”.
Bình luận của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở vùng biển này, đặc biệt là ý định của Trung Quốc đối với Đài Loan. Trung Quốc tuyên bố đảo quốc này là một tỉnh ly khai và đã tìm cách gây áp lực với chính phủ dân chủ Đài Loan để chấp nhận chủ quyền của Trung Quốc. Căng thẳng càng leo thang hơn khi Trung Quốc đang cân nhắc lựa chọn xâm lược Đài Loan để “thống nhất” hòn đảo này với đất liền.
Bình luận của Kishi cũng được đưa ra khi Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Úc gần đây đã đạt được thỏa thuận cung cấp cho Úc các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Người ta tin rằng liên minh giữa ba nước nhằm chống lại các mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc.
Trong khi đó, nói với LBC, cựu phó giám đốc cơ quan tình báo MI6 Nigel Inkster của Anh, cảnh báo rằng Trung Quốc đang dần đi đến kết luận rằng chỉ thông qua các biện pháp quân sự thì họ mới có thể chiếm Đài Loan. Inkster nói thêm rằng ngày càng có nhiều khả năng Trung Quốc phải tham gia vào một cuộc xung đột quân sự với Mỹ về quốc đảo này.
Inkster giải thích: “Trường hợp tốt nhất là cả Trung Quốc và Mỹ đều nhận ra rằng họ ngang bằng nhau về mặt quân sự và không có lợi thế lớn. Sự công nhận đó có thể đảm bảo tiếp tục nếu hòa bình bị rạn nứt. Đó là hy vọng tốt nhất mà chúng tôi có được”.
Hoài Nam