Nhật Bản đối mặt với bất bình đẳng kinh tế hậu Abenomics
Thị trường chứng khoán Nhật Bản đã tăng mạnh và ô tô hạng sang đang bán rất nhanh ở Tokyo sau 8 năm kích thích kinh tế dưới thời Abenomics, nhưng khối tài sản mới tập trung ở một phần nhỏ của xã hội thay vì phân bổ rộng rãi.
Giải quyết sự chia rẽ đó đã trở thành ưu tiên hàng đầu của tân thủ tướng Fumio Kishida, người đã hứa sẽ giải quyết tình trạng chênh lệch thu nhập ngày càng trầm trọng hơn do đại dịch gây ra. Tuy nhiên, ông đã đưa ra một số manh mối về cách ông sẽ làm như vậy.
Masanori Aoki, 62 tuổi, chủ một quán cà phê nhỏ ở một khu lao động ở phía đông bắc Tokyo, cho biết: “Mọi người đều trở nên nghèo khó. Với Abenomics, bộ trưởng tài chính đã nói về sự giàu có sẽ được phân phối. Nhưng không có chuyện đó xảy ra”.
Aoki đã nhận công việc làm tài xế xe buýt bán thời gian cho trường mẫu giáo khi đại dịch Covid-19 buộc anh ta phải tạm thời đóng cửa cửa hàng của mình.
Kimie Kobayashi, 55 tuổi, làm việc tại một cơ sở chăm sóc trẻ em ở Tokyo, cho biết lương của cô đã không tăng trong 4 năm. Cô cho biết nhiều người làm việc trong ngành này cam chịu vì lương hiếm khi tăng.
Kobayashi nói: “Tôi không thể nói rằng cuộc sống của tôi đang trở nên tốt hơn. Chính phủ thu thuế nhưng số tiền đó không được sử dụng để giúp đỡ những người thực sự cần”.
Abenomics – một liều thuốc hỗ trợ tiền tệ, tài khóa khổng lồ và một chiến lược tăng trưởng nhằm thúc đẩy cổ phiếu và lợi nhuận doanh nghiệp – đã không thể tạo ra sự giàu có cho các hộ gia đình thông qua mức lương cao hơn, theo các dữ liệu cho thấy.
Tỷ lệ nghèo của Nhật Bản cao thứ hai trong số các quốc gia G7 và cao thứ chín trong số các quốc gia OECD, theo khảo sát của tổ chức OECD, dựa trên dữ liệu có sẵn đến năm 2020.
Dữ liệu của chính phủ cho thấy mức lương danh nghĩa chỉ tăng 1,2% từ năm 2012 đến năm 2020. Mức độ giàu có trung bình của các hộ gia đình Nhật Bản đã giảm 3,5% từ năm 2014 đến năm 2019 – mặc dù 10% người giàu nhất hàng đầu đã tăng lên, theo một cuộc khảo sát khác của chính phủ.
Chắc chắn, bất bình đẳng còn rõ rệt hơn nhiều ở các quốc gia như Mỹ và Anh. Nhật Bản đứng khoảng giữa 39 quốc gia được OECD khảo sát vào năm 2020 dựa trên hệ số Gini, hệ số đo lường sự bất bình đẳng.
Tình hình đã được cải thiện đối với một số người ở Nhật Bản. Manabu Fujisaki gần đây đã vung tiền mua chiếc Mercedes-Benz trị giá 7 triệu yên (61.800 USD) sau khi thu được một khoản tiền khổng lồ từ việc đầu tư vào tiền điện tử.
Kishida hy vọng sẽ thu hẹp chênh lệch giàu nghèo bằng cách hình thành một “kiểu chủ nghĩa tư bản mới” bao gồm mức lương cao hơn cho nhân viên y tế và y tế công cộng, đồng thời ưu đãi thuế cho các công ty tăng lương. Kishida đã hoãn kế hoạch tính thuế cao hơn đối với lãi vốn và cổ tức. Shigeto Nagai, nhà kinh tế học tại Oxford Economics, cho biết việc giảm thuế ngắn hạn có thể sẽ không thuyết phục các công ty tăng lương, thay vào đó kêu gọi cải cách trong các lĩnh vực như hệ thống lao động cứng nhắc của Nhật Bản.
Thành Trung