Nhân viên ngân hàng thời Covid – 19: Xa rồi câu “Sống bằng lương, giàu bằng thưởng”…
Trước tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, bên cạnh việc thực hiện cắt giảm lương thưởng, nhiều ngân hàng còn tìm đến biện pháp cắt giảm nhân sự để giảm chi phí hoạt động.
Chị Hoa – Chuyên viên quan hệ khách hàng tại ngân hàng X. cho biết năm 2019, phòng chị vượt chỉ tiêu được giao, lại giật top bán chéo bảo hiểm, sếp hứa đưa tên chị vào danh sách tăng lương năm 2020. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại đã gần hết quý III/2020 mà lương của chị Hoa vẫn không tăng lên đồng nào, ngược lại chị còn nhận được thông báo giảm 10% lương trừ thẳng vào lương hàng tháng. Đây thực sự là một cú sốc đối với Hoa bởi suốt 6 năm đi làm, lương vị trí của chị hầu như giữ nguyên chẳng bao giờ thay đổi. Chỉ có lương kinh doanh trồi sụt ảnh hưởng đến thu nhập của chị, tháng nào kiếm được nhiều hợp đồng thì thu nhập cao và ngược lại.
Nếu chị Hoa có thâm niên 6 năm làm việc tại ngân hàng thì ngược lại, Nam chỉ là sinh viên mới tốt nghiệp. Ra trường ngay đúng thời điểm dịch Covid-19 hoành hành, Nam ngồi nhà tìm việc trên website tuyển dụng các ngân hàng cho đúng chuyên ngành. Tuy nhiên phải tới tháng 6, Nam mới được một ngân hàng thương mại cổ phần gọi đi phỏng vấn. Niềm vui chưa thấy, nỗi buồn đã sớm ập tới khi tới cuối tháng 8, Phòng nhân sự của ngân hàng này lại gọi điện báo xin lỗi vì ngân hàng có đợt cắt giảm nhân sự nên dừng tuyển dụng.
Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều câu chuyện của ngành Ngân hàng trong mùa dịch Covid – 19. Tuy nhiên so với các ngành khác như du lịch, vận tải…thì ảnh hưởng của dịch bệnh tới ngành ngân hàng chỉ mới bắt đầu.
Trong bối cảnh hầu hết các doanh nghiệp đều lâm vào cảnh khốn khó thì lợi nhuận của các ngân hàng sụt giảm do ảnh hưởng nợ cơ cấu và nợ xấu là tất yếu, tuy nhiên điều khiến nhân viên ngân hàng đau lòng nhất vẫn là giảm lương. Điều này đồng nghĩa với những ngày họ tất tả ngược xuôi xử lý nợ, làm thêm giờ để kịp trình hồ sơ cơ cấu cho khách hàng; những nỗ lực phấn đấu để hoàn thành chỉ tiêu, để nhận thưởng cuối năm đã không còn ý nghĩa khi ngay cả lương hàng tháng cũng bị cắt giảm.
Tuy nhiên đặt trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng diễn biến ngày càng phức tạp, vẫn phải có cái nhìn thấu đáo và cảm thông cho các ngân hàng bởi nếu không đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân để vực dậy nền kinh tế, cuối cùng mọi gánh nặng nợ xấu cũng do ngân hàng còng lưng gánh chịu.
Vừa tìm cách giãn lịch trả nợ để giảm bớt gánh nặng tài chính cho khách hàng vừa phải đảm bảo toàn hệ thống vận hành trơn tru, hiệu quả quả thật là bài toán hóc búa khiến các ngân hàng đau đầu. Trong bối cảnh đó, giảm chi phí hoạt động bằng cách cắt giảm lương, cắt giảm nhân sự là lời giải nhức nhối nhất mà nhiều ngân hàng buộc phải lựa chọn, nếu muốn tồn tại qua cơn “bão” dịch.
Trở lại với hai câu chuyện ở đầu bài viết, để bù đắp khoản lương bị giảm, chị Hoa bàn với chồng vay ưu đãi ngân hàng để lấy vốn buôn hàng online kiếm thêm thu nhập với nguồn hàng do chị bên chồng ở Nhật gửi xách tay về. Trong lúc chờ nguồn hàng ổn định, vợ chồng chị bán thêm rau quả sạch do mẹ chồng chị trồng gửi từ quê vào.
Về phía Nam, sau vài lần bị các ngân hàng từ chối, vì không có tiền để trụ lại thành phố, cậu đành khăn gói về quê xin vào làm hành chính tại một công ty nhỏ làm. Vừa làm, cậu vừa tranh thủ học thêm tiếng Hàn để nộp đơn vào công ty Hàn Quốc gần nhà, từ bỏ giấc mơ làm ngân hàng ấp ủ từ ngày cấp III.
Và có lẽ báo cáo tài chính năm nay cũng như những năm tiếp sau sẽ còn khiến nhiều nhân viên ngân hàng ngậm ngùi rơi nước mắt khi câu “sống bằng lương, giàu bằng thưởng” có lẽ chỉ còn trong hoài niệm, nếu được nhắc cũng chỉ qua những tiếng thở dài.
Linh Lan