Nhà thầu Việt có khả năng thay thế Trung Quốc trên thị trường xây dựng thế giới

Chia sẻ về những nỗ lực để vượt bão Covid-19, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình cho biết, đại dịch khiến cộng đồng doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều cửa hàng đóng cửa, nhiều tập đoàn hàng đầu các lĩnh vực cũng lỗ nặng, kéo dài dịch thêm một năm nữa chưa biết hậu quả thế nào. Đây là vết thương tựa như vết nứt khi đổ bê tông vậy, nếu vết nứt đến mức nào đó sẽ khiến mảng bê tông vỡ vụn.

Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho rằng, các nhà thầu xây dựng Việt Nam đang có cơ hội lớn bước ra nước ngoài, thay thế nhà thầu Trung Quốc.

Theo ông Hải, phải nhìn khách quan để nghiên cứu dưới góc độ toàn cầu một cách chính xác, đúng đắn thì sự vận hành của hệ thống chính trị, doanh nghiệp mới có thể đáp ứng được các yêu cầu, vượt qua khủng hoảng và phát triển trước sức ép đại dịch.

Khủng hoảng do dịch bệnh lần này là một nguy cơ không chỉ cảm nhận bằng logic thông thường, ban đầu đòi hỏi sự chung tay nhưng nếu xung đột giữa các cường quốc mạnh hơn, chiến tranh là nguy cơ lớn, tiên đoán bi quan là có cơ sở.

“Việt Nam là quốc gia bị nhiều thiệt hại lớn do chiến tranh, có vị trí địa lý khá đặc biệt, giữa nguy cơ chiến tranh bởi sự đối đầu của 2 thế lực lớn thế giới, phải nghĩ rất nghiêm túc, nếu chiến tranh xảy ra thì các nỗ lực của chúng ta đều vô nghĩa”, ông Hải bộc bạch tại lễ kỷ niệm 4 năm chương trình Cafe Doanh nhân do Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM (HUBA) tổ chức.

Chia sẻ về thực tế doanh nghiệp mình, ông Hải cho biết, dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến ngành xây dựng. Khách hàng của Hoà Bình là ngành bất động sản, trong mấy tháng đầu năm, hợp đồng mới chỉ bằng 50% so với năm trước, doanh thu một quý chỉ bằng một nửa so với trước.

Trước thực trạng này, tập đoàn chủ trương cắt giảm bớt chi phí, không sa thải nhân viên với điều kiện họ là nhân tố tích cực (chỉ giảm 20% nhân viên), giảm từ 8 – 12 giờ làm xuống còn 6 giờ/ngày, bảo đảm đời sống cho cán bộ nhân viên.

Bên cạnh đó là tái cấu trúc doanh nghiệp, xây dựng hệ thống online, phân chia 5.000 loại công trình khác nhau để phối hợp nhịp nhàng, song song đào tạo cho lực lượng cán bộ dư thừa về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng mềm; thực hiện giảm tiền thưởng chứ không giảm lương. 

Bằng sự nỗ lực chung cùng các giải pháp hợp lý, hai quý đầu năm 2020 tập đoàn vẫn có một chút lợi nhuận chứ không bị âm. 

Bàn về tương lại của ngành xây dựng trước khủng hoảng đại dịch, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình vẫn tỏ ra lạc quan, đặc biệt là chiến lược mở rộng hoạt động ra toàn cầu, thay thế các nhà thầu Trung Quốc.

Ở trong nước, hiện nhà nước đang chủ trương đẩy mạnh đầu tư công nhằm khôi phục kinh tế bị ảnh hưởng do dịch, nhiều thủ tục được giảm bớt, do đó, ngành xây dựng có nhiều cơ hội phát triển. 

Đối với thị trường thế giới, theo ông Hải, các nhà thầu xây dựng Việt Nam có cơ hội lớn bước ra nước ngoài, thay thế nhà thầu Trung Quốc. Thứ nhất, do dịch bệnh, các nhà thầu Trung Quốc cũng không thể huy động nhân lực để trở lại công trường vào lúc này. Thứ hai, các nước cũng rất sợ các nhà thầu Trung Quốc, lấy thế nước lớn can thiệp vào các hoạt động kinh doanh. 

Nhìn nhận về cơ hội cho ngành xây dựng, TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, muốn đi xa thì đi cùng nhau, cơ hội đi xa thấy rất rõ. Thị trường xây dựng thế giới lớn hơn Việt Nam nhiều ngàn lần. Ở Việt Nam, chi phí xây dựng một căn hộ chỉ khoảng 500 USD/m2, thấp hơn ở nước ngoài rất nhiều. Ví dụ như Canada, Mỹ, Úc, giá tối thiểu là 1.500 USD/m2. Nếu nhà thầu Việt Nam biết khai thác có thể hạ giá thành ở nước ngoài, thay thế nhà thầu Trung Quốc. 

Trong khi đó, sản phẩm xây dựng của các nhà thầu Việt Nam cao hơn nhiều lần so với nhiều nước vì lợi thế đi sau, công nghệ hiện đại hơn. Nếu có năng lực tổng thầu thì sẽ tạo phản ứng dây chuyền, tạo thành chiến lược quốc gia trong ngành (đầu tư bất động sản, dịch vụ thi công, nhà thầu phụ, trang thiết bị nội ngoại thất, thi công…) và ngoài ngành, kéo theo cả sự phát triển của ngân hàng, quỹ đầu tư, bảo hiểm, logistics… 

Muốn hiện thực hoá chiến lược tấn công ra nước ngoài, cần có sự hợp lực từ doanh nghiệp đến Chính phủ, mục tiêu đưa xây dựng thành chiến lược quốc gia, đưa đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình là hoàn toàn có thể.

Đặc biệt, cơ cấu dân số vàng là điều kiện rất cơ bản, quan trọng để Việt Nam trở thành cường quốc. Tuy nhiên, thời gian của cơ cấu vàng này chỉ còn 14 năm nữa. Năm nay tỷ lệ người phụ thuộc đang thấp nhất, thập kỷ tới là khoảng thời gian hết sức quý giá, đó là thập kỷ vàng, là trang sử mới để ngành xây dựng đóng góp cho quốc gia.

Trung Hoài