Nguồn lợi hải sản tầng đáy và các khu vực cấm/hạn chế khai thác

Hải sản tầng đáy được chia thành các nhóm loài chủ yếu là cá đáy, nhuyễn thể, chân đầu, giáp xác và chân bụng. Ở Việt Nam, nguồn lợi hải sản tầng đáy rất dồi dào, trong đó có nhiều loài có giá trị kinh tế cao và là đối tượng khai thác quan trọng ở các vùng biển trong nước.

Trong giai đoạn 2016 – 2019, Viện Nghiên cứu Hải sản đã thực hiện 6 chuyến điều tra nguồn lợi tầng đáy bằng lưới kéo, 1 chuyến điều tra nguồn lợi cá nổi nhỏ bằng thủy âm, 1 chuyến điều tra nguồn lợi cá nổi lớn bằng lưới rê và 144 chuyến giám sát khai thác trên tàu cá ở các vùng biển. Quá trình điều tra đã bắt gặp 1.385 loài 616 giống nằm trong 239 họ hải sản, tăng 304 loài so kết quả điều tra trong giai đoạn 2011 – 2015. Thống kê được 22 loài nguy cấp quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng theo Sách Đỏ Việt Nam 2007, gồm 8 loài ở cấp độ nguy cấp (EN) và 14 loài ở cấp độ sẽ nguy cấp (VU).

Giai đoạn 2016 – 2019, trữ lượng trung bình các nhóm nguồn lợi chính ở biển Việt Nam (cá biển, giáp xác, động vật chân đầu) vào khoảng 3,95 triệu tấn. Trong đó trữ lượng ở vùng bờ chiếm 10,32% (407.000 tấn); vùng lộng chiếm 18,46% (729.000 tấn) và vùng khơi chiếm 71,22% (2.813.000 tấn). Trữ cá nổi nhỏ chiếm 62,1% (khoảng 2.450.000 tấn), cá đáy chiếm 10,3% (khoảng 408.000 tấn), động vật chân đầu chiếm 2,2% (khoảng 88.000 tấn), giáp xác (gồm tôm và cua ghẹ) chiếm 1,5% (khoảng 58.000 tấn), cá nổi xa bờ chiếm 23,8% (khoảng 940.000 tấn) và khoảng 2.700 tấn nhóm ốc, nhuyễn thể (chiếm 0,1%). Qua thống kê có thể thấy trữ lượng các nhóm nguồn lợi chính trong giai đoạn 2016 – 2019 thấp hơn 9,4% so giai đoạn 2011 – 2015, trong đó trữ lượng hải sản tầng đáy giảm 18,4%; trữ lượng cá nổi nhỏ giảm 7,3% và nhóm cá nổi xa bờ giảm 8,8%.

Trước nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi hải sản tầng đáy, vào khoảng thời gian từ ngày 1/4 – 30/6 mỗi năm, các khu vực đều đưa ra danh sách các đối tượng hải sản cần bảo vệ và quy định cấm/hạn chế khai thác. Đơn cử tại vùng biển đảo Trần (Quảng Ninh) là các loài tôm he, tôm gai, cá lượng, cá phèn, cá khế, cá căng, cá trích, cá nhồng, cá đục; tại vùng biển đảo Cô Tô (Quảng Ninh) là các loài tôm he, tôm gai, cá lượng, cá phèn, cá trích, cá nhồng, cá đục, cá căng; tại vùng biển Cát Bà – Long Châu và ven biển Hải Phòng là các loài cá phèn, cá tráp, cá lượng, cá đù, cá đối, cá chai, cá căng, cá bống, cá bơn, cá khế, cá trích, cá nhồng, cá sạo, tôm he; tại vùng biển ven bờ Nam Định và Hòn Nẹ, Thanh Hóa là các loài cá phèn, cá lượng, cá tráp, cá đục, cá chai, cá căng, cá trích, cá khế, cá trỏng, cá đối, tôm he, tôm gai.

Tương tự vùng biển ven bờ Hà Tĩnh: cá phèn, cá nhồng, cá đục, cá căng, cá chai, cá đối, cá nhồng, cá thu ngừ, cá trỏng, cá trích, tôm he, tôm gai. Vùng biển ven bờ Quảng Trị: cá phèn, cá đục, cá căng, cá nhồng, tôm he, tôm gai. Vùng biển ven bờ Đà Nẵng – Quảng Nam: đối tượng chính cần bảo vệ là các loài cá khế, cá trích, cá trỏng, cá bống, cá đối, cá phèn, cá đục, cá tráp, cá căng, tôm he, tôm gai. Vùng biển ven bờ vịnh Cam Ranh: cá phèn, cá đù, cá lượng, cá thu ngừ, cá chai, cá đục, cá trích, cá bống, tôm he, tôm gai, tôm kính. Vùng biển ven bờ Phan Thiết: cá lượng, cá chai, cá đù, cá đục, cá trích, cá trỏng, cá khế, cá bống, tôm he, tôm gai.

Khu vực vùng biển ven bờ từ Vũng Tàu đến Tiền Giang là các loài cá đù, cá phèn, cá bống, cá chim, cá đục, cá lượng, cá trỏng, cá trích, cá khế, tôm he, tôm gai. Vùng biển ven bờ Sóc Trăng – Bạc Liêu: cá đù, cá căng, cá lượng, cá đục, cá bơn, cá khế, cá trích, cá trỏng, cá bống, tôm he, tôm gai. Vùng biển ven bờ Nam Cà Mau và Hòn Khoai: cá mối, cá đù, cá đối, cá chai, cá đục, cá bơn, cá trích, cá trỏng, tôm he, tôm gai. Vùng biển ven bờ Hà Tiên – Rạch Giá, Kiên Giang: cá đù, cá mú, cá bò, cá lượng, cá chai, cá chim, cá căng, cá thu ngừ, cá trích, cá trỏng, cá bống, cá hồng, cá bơn, tôm he, tôm gai và ghẹ xanh.

Đan Lê