Người Việt bán hàng trên Amazon tăng nhanh hàng đầu châu Á
Ông Bernard Tay, Giám đốc phụ trách Dịch vụ khách hàng Amazon Singapore, Giám đốc Amazon Global Selling Đông Nam Á, Australia và New Zealand, cho biết, Việt Nam là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng lượng người bán hàng cao nhất châu Á tại một hội nghị lần đầu Amazon Global Selling tổ chức tại Việt Nam hôm 4/12.
Có mặt tại hội nghị thu hút hơn 2.000 người bán hàng tham dự, bà Susan Pointer, Phó chủ tịch phụ trách quan hệ chính phủ của Amazon, tiết lộ đã có hàng nghìn nhà bán hàng Việt tham gia nền tảng. “Chúng tôi nhận thấy nhiều tiềm năng kinh doanh tại thị trường phát triển kinh tế số nhanh chóng này”, bà nhận xét.
Việt Nam ngày càng trở thành một thị trường cung ứng quan trọng của Amazon. Sau khi xây dựng riêng trang web và trang Facebook bằng tiếng Việt năm 2018, giữa tháng 10/2019, Amazon Global Selling Việt Nam chính thức được thành lập, đặt văn phòng tại TP HCM.
“Có 28.000 lượt tìm kiếm với từ khoá “Bán hàng cùng Amazon” trong 12 tháng gần nhất so với 0 lượt của 10 năm trước. Tìm kiếm về “Bán hàng online” tại Việt Nam tăng trưởng 577% giai đoạn 2009-2019. Điều này thể hiện tư duy của người Việt đang rất nhanh nhạy về thương mại điện tử, mong muốn tìm kiếm thị trường mới”, Trần Xuân Thủy, Giám đốc Amazon Global Selling Việt Nam cho biết.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, thông qua hợp tác với Amazon, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất khẩu qua thương mại điện tử thu hút được 105 doanh nghiệp tham gia sau 6 tháng triển khai. Kết quả, khoảng 50% doanh nghiệp tham gia đã bán được hàng trên nền tảng này.
Cũng trong ngày 4/12, Bộ Công thương và Amazon Global Selling đã ký ghi nhớ hợp tác giai đoạn tiếp theo, tập trung vào các nội dung như tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất khẩu qua thương mại điện tử, phát triển thương hiệu Việt trên nền tảng Amazon cũng như tổ chức các chương trình đào tạo về bán hàng xuyên biên giới.
Bộ Công Thương cũng đề xuất Amazon sớm hỗ trợ thiết lập xây dựng một chuyên trang riêng dành cho hàng hóa Việt Nam. Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại, cho biết Amazon cũng tỏ thiện chí về đề xuất này. Tuy nhiên, để làm chuyên trang thì phải có số lượng nhà bán hàng đủ lớn.
“Ví dụ muốn lập chuyên trang bán thực phẩm Việt thì phải ít nhất có vài trăm nhà cung cấp chứ không thể quá ít, nếu không sẽ có tác dụng ngược. Do đó, ngoài việc hỗ trợ Amazon thì phải còn trông chờ vào sự phát triển số nhà bán hàng Việt Nam trên nền tảng này”, ông Phú bình luận.
Trước mắt, Cục xúc tiến thương mại sẽ tập trung giải quyết những khó khăn khúc mắc liên quan đến hoạt động thương mại điện tử cho doanh nghiệp Việt Nam; nhân rộng hoạt động đến các tỉnh thành khác như Đà Nẵng, Cần Thơ cũng như những địa phương có những mặt hàng có cơ hội xuất khẩu ra nước ngoài.
“Chúng tôi cũng sẽ làm việc chặt chẽ với UBND, Sở Công thương các địa phương cũng như Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam để phối hợp cung cấp các khoá đào tạo chuyên ngành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử”, ông Phú cho biết thêm.
Ngoài tiếp tục hợp tác với Bộ Công Thương, Amazon Global Selling cũng đã ký hợp tác cùng Tập đoàn T&T Group, Ngân hàng SHB. Các bên sẽ xây dựng và vận hành các “Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thông qua thương mại điện tử” tại chi nhánh lớn của SHB trên toàn quốc. Phía SHB cho biết cũng sẽ đưa vào triển khai các gói sản phẩm, dịch vụ tiện ích dành riêng cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp quan tâm tới việc bán hàng qua hệ thống Amazon.
“Hiện nay đã có 2 trung tâm được xây dựng và vận hành tại SHB chi nhánh Thăng Long tại Hà Nội và chi nhánh SHB TP HCM. Những buổi đào tạo đầu tiên đã được lãnh đạo Amazon Việt Nam và các chuyên gia tiến hành tại hai trung tâm này và nhận được sự đánh giá cao các doanh nghiệp tham gia”, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn T&T Group, cho biết.
Thanh Hằng