Người Trẻ Việt: Hãy Đơn Giản Và Chân Thành Để Sống Ý Nghĩa Hơn

Trong căn phòng chỉ vừa đủ cho 20 người tham dự đã không còn bất cứ khoảng trống nào với sự có mặt của gần 100 bạn trẻ độ tuổi từ 20 đến 40 với tinh thần hiếu tri và sự cầu thị. Tất cả ngồi xếp tròn thân mật và ấm cúng quanh người thầy hiền từ nhân hậu Phan Văn Trường – Một người Việt hết sức đặc biệt nhưng lại vô cùng giản dị và khiêm tốn với tình yêu thương quê hương sâu sắc.

Giáo sư Phan Văn Trường đã từng lãnh đạo những phái đoàn đàm phán lớn. Ông chuyên chào bán những nhà máy điện, hóa dầu, lọc nước hay những dự án xây dựng khách sạn năm sao, hệ thống metro, đường sắt, với giá cả tính bằng triệu USD, thậm chí cả tỷ USD. Một trong những cống hiến lớn nhất của Ông vào cuối những năm 80 đã giúp cho nền điện lực thế giới được cấu trúc lại. Vì thế Ông được mệnh danh là “Chuyên gia sắc bén làm cho ngành công nghiệp điện Nhật Bản điên đảo”. Ông đã hai lần được Tổng thống Pháp tấn phong Hiệp sĩ trong đó có Huân chương Bắc đẩu Bội tinh cao quý nhất của Cộng hòa Pháp (2007) và được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Giáo dục (2010).

Ông là một nhân vật tiếng tăm trong giới thương thuyết thế giới vào những năm cuối của thế kỷ XX. Gần 40 năm du hành khắp năm châu với nghề thương thuyết, Ông đã dùng hết 18 cuốn hộ chiếu, in dấu chân ở hàng trăm nước, hàng chục đôi giày đã mòn mất đế sau những chuyến đi dài ngày. Ông luôn xuất hiện với nụ cười hiền hậu và phong thái nho nhã khiến người đối diện khó tin rằng Ông đã ngoài 70 tuổi.

Chia sẻ với những bạn trẻ có mặt trong buổi sáng cách đây 2 năm, Ông nói rằng:

Thầy còn trẻ trung như thế này có lẽ vì bản thân Thầy sống rất hạnh phúc. Cuộc đời Thầy gặp được những sự may mắn trong những hoàn cảnh éo le nhất mà Thầy không ngờ tới bởi vốn dĩ Thầy không phải là người quá đỗi ham học hay học giỏi một cách xuất chúng. Khi trông thấy tính kết nối của người Việt mình rất kém, thật sự Thầy rất xót xa nhưng điều đó vẫn không làm vơi đi trong Thầy một cái nhìn tích cực vào thế hệ trẻ của chúng ta. Thầy nói điều này bởi lẽ nó có đủ những minh chứng sống động chứ không phải chỉ là lý thuyết suông, tất cả những gì Thầy nói hôm nay đều là những thứ Thầy đã trải qua, người thật việc thật chứ không có một tí lý thuyết nào.

Đúng ra hôm nay, chỉ là một buổi Thầy mời vài ba bạn đến để Thầy ký tặng sách và tâm tình với các bạn những điều mà các bạn hứng thú nhưng Thầy thật hạnh phúc khi mà các bạn lại đến với Thầy vượt lên cả mong đợi. Thế thì Thầy xin chia buổi nói chuyện của chúng ta làm 3 phần rồi sau đó Thầy sẽ ký tặng sách cho các bạn và ai có thắc mắc gì Thầy sẽ giải đáp hết.

Phần đầu tiên Thầy xin chỉ ra bí quyết để các em có được sức khỏe – hạnh phúc và thành công vô cùng đơn giản nhưng không dễ thực hiện mà nếu các em thực hiện được thì chắc chắn cuộc đời của các em sẽ giống như các vị Tiên trên trời.

            – Về sức khỏe: Cái gì cũng ăn nhưng ăn chút ít vừa đủ (không ăn đến chán). Cơ thể con người chúng ta rất thông minh vì nó có cơ chế tự báo hiệu những chất mà chúng ta đang thiếu, thế nên nếu thèm thứ gì thì các em hãy đi ăn ngay thứ đó nhưng nhớ là ăn vừa đủ chứ không ăn quá nhiều. Bên cạnh đó, hãy cố gắng tập thể dục đều đặn ít nhất 15 phút mỗi ngày và ngày nào cũng tập. Hai việc này vô cùng đơn giản nhưng không dễ thực hiện chút nào.

            – Về hạnh phúc: Trong xã hội loài người, không có gì quý hơn là sống với nhau cho đoàng hoàng, tử tế. Mình cứ dễ thương với đời thì chắc chắn đời cũng sẽ dễ thương với mình. Hạnh phúc là chấp nhận hết và không mang tự ái vào cuộc chơi hay bất kì mối quan hệ nào. Hãy sống chân thành và đơn giản hóa mọi thứ, đừng cố cầu kì quá khi cuộc đời nó rất đơn giản.

Sở dĩ Albert Einstein và Stephen Hawking trở nên vĩ đại và có thể nhìn thấy hết sự vận hành của vũ trụ này bởi lẽ họ nhìn cuộc đời này vô cùng đơn giản. Đơn giản đến mức phải 60 năm sau khi khoa học, kĩ thuật và công nghệ tiến bộ vượt bậc thì người ta mới chứng minh được những điều Einstein nói là đúng và đơn giản đến khó tin. Muốn cho cuộc đời đơn giản thì các em phải luôn làm cho trí óc của mình “fresh” – tươi mát và đơn giản hóa hết mức mọi vấn đề trong cuộc sống.

            – Về thành công: Các em hãy giúp cho người khác thành công rồi người ta sẽ giúp cho mình thành công. Hãy xem thành công của người khác chính là thành công, là niềm tự hào của bản thân mình. Chỉ có như thế xã hội chúng ta mới đoàn kết và mạnh lên được. Cuối cùng Thầy xin khẳng định với các em rằng không có thành công hay niềm hạnh phúc nào lớn lao bằng việc tất cả mọi người xung quanh đều yêu thương mình.

            Phần thứ hai: Thầy xin chia sẻ với các em như thế này !

            Các em có thấy người Việt chúng ta làm gì cũng tranh thủ và vội vàng. Từ sáng sớm ra đường đã vội, đi làm cũng vội rồi xếp hàng cũng vội trong khi người Pháp, người Mỹ, người Mã Lai họ rất thong thả và bình tĩnh. Nếu có một người nào đó không xếp hàng theo thứ tự mà chen lấn ở Malaysia thì chắc chắn người Mã Lai đó sẽ không tức giận hay bực bội mà họ sẽ nghĩ người này chắc đang rất vội và họ sẽ ưu tiên cho người đó lên trước trong niềm vui vẻ.

            Các em ạ! Chúng ta không nên quá tranh thủ mà phải bình tĩnh không nóng vội. Cái gì cũng phải để từ xanh đến chín bởi lẽ trái chín rồi hái xuống nó mới ngon, mới đậm đà và thú vị. Các em hãy tìm đúng con người của mình và sống đúng với tốc độ của mình chứ đừng đua với bất kì một ai khác. Đừng nóng lòng sốt ruột khi thấy bạn mình 25 tuổi đã làm CEO còn mình 30 tuổi vẫn là thằng nhân viên quèn. Bởi lẽ có thể 25 tuổi làm CEO, làm Chủ tịch nhưng 45 tuổi về hưu còn mình 50 tuổi mới làm CEO và lúc đó đã trải đời và đủ kinh nghiệm, năng lực rồi thì làm CEO sẽ rất tuyệt vời và mang lại nhiều chiến tích đến bất ngờ.

            Thầy xin dẫn chứng chính cuộc đời Thầy đến tận năm 40 tuổi mà sự nghiệp vẫn chẳng đâu vào đâu mặc dù Thầy đã làm đủ mọi nghề. Nhưng khi Thầy vào làm trong một công ty điện lực lớn thì người ta thấy Thầy đã thực sự đủ độ chín và giao cho Thầy những trọng trách rất lớn lao và Thầy thăng tiến rất nhanh. Thêm nữa các em có thấy những người vội vàng có ai sống thọ không? Đơn giản như con Thỏ nó rất nhanh và hoạt náo nhưng sống rất yểu còn con Rùa nó cứ từ từ, chậm chạp nhưng có khi còn sống thọ hơn cả con người.

Đừng nên chạy đua với ai mà hãy bình tĩnh sống đúng lúc, đúng chỗ với đúng tốc độ của chính bản thân mình và chỉ nên làm những gì mà mình có động lực bởi lẽ nếu mình làm cái gì mà mình không thấy thú vị thì sẽ không có ý nghĩa. Mà động lực từ đâu mà ra, động lực (hay trách nhiệm) bắt nguồn từ chính tình yêu thương.

            Phần cuối cùng: Thầy xin đưa ra một số góc nhìn về giới trẻ hiện nay.

            Các em đang ngày càng bị lệ thuộc nặng nề vào thiết bị công nghệ như smartphone hay latop. Đi đâu Thầy cũng thấy các bạn cúi mặt xuống điện thoại từ nhà ga, quán ăn hay những nơi hẹn hò. Mình hẹn bạn bè và những người thân yêu của mình đến để dốc bầu tâm sự và âu yếm nhau chứ đâu phải đến ngồi cạnh nhau xong đứa nào cũng lấy điện thoại ra bấm. Những người giàu và văn minh họ không dùng điện thoại thông minh đâu. Điện thoại hay máy tính sẽ là cứu cánh cuối cùng khi tất cả các niềm vui khác đã hết. Điện thoại máy tính đang là rào cản để mỗi chúng ta cảm nhận sự dễ thương và gần gũi của những người xung quanh mình.

            Cuối cùng, Thầy xin chia sẻ kinh nghiệm về tư duy làm giàu.

            Mình đừng làm gì để mà làm giàu, tức là đừng xem làm giàu là mục tiêu bởi lẽ hạnh phúc nó không hề đi đôi với tài sản. Giàu có phải đi liền với cống hiến và thành quả. Nếu không có cống hiến và thành quả thì sự giàu có đó sẽ rất là vô nghĩa và sẽ dễ dẫn đến tội lỗi mà những người trẻ như các em không lường trước được. Quan trọng nhất là các em phải biết chủ động hoàn thiện bản thân để có đủ khả năng nhìn nhận, nắm bắt cơ hội và đón nhận cơ hội đến với mình.

            Trong cuộc đời mỗi chúng ta cứ 6 tháng sẽ có một cơ hội nhỏ, 5 năm sẽ có một cơ hội trung bình và 10 năm sẽ có một cơ hội lớn. Các em phải đủ bình tĩnh, không vội vã thì mới có thể nhìn thấy cơ hội nó đến với mình. Nhưng có hai điều mà Thầy mong tất cả các em hãy nhớ cho kĩ đó là: “Cơ hội đích thực sẽ luôn đi liền với thử thách” và “Không bao giờ là quá muộn, chỉ sợ không bắt đầu”.

Phúc Minh