Người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng thắt chặt chi tiêu hơn

Người tiêu dùng Trung Quốc đang mua các mặt hàng ít đắt tiền hơn trong bối cảnh suy thoái kinh tế và chiến tranh thương mại. Giá trung bình của hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) trong chín tháng đầu năm tại Trung Quốc chỉ tăng 3,7%, khá chậm so với mức 4,6% của cùng kỳ năm ngoái, theo “China Shopper Reporter 2019”, đồng phát hành bởi Bain & Company (Mỹ) và Kantar WorldPanel (Tây Ban Nha).

“Người bán hàng chịu nhiều áp lực để kích thích nhu cầu và thu hút người mua. Vì vậy, chúng ta thấy rất nhiều chương trình giảm giá và khuyến mại. Do đó, việc tăng giá trung bình chậm hơn nhiều so với các năm trước và đáng chú ý hơn là tác động đến tỷ lệ lạm phát”, Jason Yu, Tổng giám đốc của Kantar Worldpanel Trung Quốc cho biết. Tuy nhiên, ông Derek Deng, Đối tác của Bain & Company thừa nhận, nước này vẫn là thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới.

Chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc, một thước đo chính của lạm phát, đã tăng lên 3,8% trong tháng 10, từ mức 3% trong tháng 9, gần bằng mức tăng giá bán trung bình trong báo cáo trên.

Báo cáo cho biết doanh số bán rượu vang trong chín tháng đầu năm giảm 3%. Doanh số bán bơ cũng giảm theo cùng một mức, trong khi các sản phẩm chăm sóc da giảm 10%. Tuy nhiên, giá trị bán hàng của nước sốt hàu tăng mạnh nhất, ở mức 30%, do người dân đang cắt giảm việc sử dụng bột ngọt trong nấu ăn.

Người tiêu dùng Trung Quốc đã trở nên có ý thức về giá và đang tìm kiếm những món hời. Họ đang chuyển sang các nền tảng thương mại điện tử như Pinduoduo, nơi cung cấp hàng hóa với giá cực thấp, giảm giá và thậm chí được hoàn tiền.

Giảm giá trên Pinduoduo có thể lên tới 90% đối với một số mặt hàng sử dụng hàng ngày. Gần đây, hơn 6,4 triệu hộp khăn giấy đã được bán với giá 12,9 nhân dân tệ (1,6 USD) cho một thùng 10 hộp. Mô hình bán hàng cho các nhóm khách mua sỉ đã giúp Pinduoduo vượt qua JD.com về tổng giá trị hàng hóa (GMV) vào tháng 10.

Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đã chuyển sang kích thích tiêu dùng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nước này cắt giảm thuế gần 2.000 tỷ nhân dân tệ trong bối cảnh GDP quý III/2019 chỉ tăng 6%, yếu nhất trong 27 năm qua.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế dự báo tăng trưởng của Trung Quốc thậm chí còn dưới 6% trong năm sau. “Tình hình sẽ còn tệ hơn trước khi nó tốt hơn”, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng Macquarie nhận định trong nghiên cứu mới công bố hôm thứ hai.

Doanh số bán lẻ tại Trung Quốc tăng 8,2% lên 30.000 tỷ nhân dân tệ trong 9 tháng đầu năm, theo Cục Thống kê Quốc gia nước này. Các hoạt động mua sắm như “Ngày độc thân” của Alibaba vào tháng trước đã góp phần tạo thúc đẩy nhỏ khi GMV của sự kiện đạt mức kỷ lục 38,4 tỷ USD.

Tuy nhiên, không phải ai cũng nghĩ ưu tiên tiêu dùng là cách tốt nhất để thúc đẩy nền kinh tế. “Khiến người tiêu dùng Trung Quốc phải móc hầu bao đang khó hơn bao giờ hết. Một nền kinh tế chậm chạp đã tác động đến tâm lý của người tiêu dùng khi họ chi tiêu”, Pedro Yip, đối tác tại hãng tư vấn Oliver Wyman nhận định.

Thanh An