Người lao động Việt Nam đối mặt rủi ro khi làm việc ở nước ngoài
Thảo luận dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) chiều 17/6, đại biểu Tô Văn Tám cho rằng, người đi lao động nước ngoài có thu nhập khá ổn định, góp phần cải thiện cuộc sống gia đình và góp phần phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, họ lại đang đối mặt với nhiều rủi ro như bị lạm dụng, bạo lực, xâm hại.
Một khảo sát cho thấy, khoảng 76% người lao động Việt Nam di cư đối mặt với vi phạm quyền lao động và ít được tiếp cận các biện pháp giải quyết pháp lý. “Vì vậy, sửa đổi luật cần hoàn thiện cơ chế pháp lý để bảo vệ người lao động ở nước ngoài. Dự thảo Luật có nêu trách nhiệm của cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài nhưng cơ chế thực hiện trách nhiệm bảo vệ người lao động như thế nào thì chưa được làm rõ”, ông Tám nói và đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân bày tỏ nỗi xót xa khi dẫn câu chuyện một thanh niên ở làng quê lao động di cư sang Đài Loan mưu sinh lúc con đang học mầm non. Đến khi trở về thăm nhà thì đứa bé đã học xong lớp 12 và chuẩn bị làm hồ sơ đi lao động nước ngoài.
Các nhà hoạch định chính sách phải giải mã cho được hình ảnh cậu bé nối nghiệp bố đi làm việc ở nước ngoài sau khi học xong phổ thông, phải đảm bảo cho cậu không phải trả mức phí cao nhất, không thuộc nhóm đứng đầu về trải nghiệm lạm dụng lao động cũng như không phải xa quê đằng đẵng 10 năm trời như cha mình.
“Còn rất nhiều những cảnh đời của lao động di cư mà các nhà hoạch định chính sách cần lắng nghe. Phải làm thế nào để dự luật thật sự là tấm bản đồ không những chỉ rõ đường đi mà cả lối về cho lao động di cư”, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Bình Dương trăn trở.
Theo khảo sát của Tổ chức Lao động Quốc tế, người lao động dù phải trả phí lao động thuộc hàng cao nhất nhưng một số doanh nghiệp Việt Nam vẫn đem con bỏ chợ. Doanh nghiệp thường không sẵn sàng thực hiện trách nhiệm của mình sau khi người lao động xuất cảnh và không phải tất cả lao động đều có thể tiếp cận hệ thống tuyển dụng có đạo đức và công bằng.
“Dự luật đã bổ sung nghĩa vụ của doanh nghiệp phải có nhân viên nghiệp vụ quản lý, hỗ trợ người lao động ở nước ngoài, đảm bảo trợ giúp pháp lý trong trường hợp người lao động cần. Tuy nhiên, trường hợp doanh nghiệp không đảm bảo nghĩa vụ này lại không có bất kỳ chế tài nào”, ông nói.
Theo ông, không ít lần cơ quan chức năng kết luận lao động di cư vi phạm pháp luật, phá hợp đồng, cư trú bất hợp pháp, thậm chí làm mất thể diện quốc gia nhưng không bao giờ thông cảm vì lao động di cư Việt Nam phải bỏ ra số tiền lớn, mất rất nhiều thời gian để trả nợ. “Đây có phải là nguyên nhân thôi thúc họ ở lại một cách bất hợp pháp để kiếm tiền trả nợ?”
Bộ trưởng Lao động Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, mỗi năm Việt Nam có khoảng 100.000 người đi lao động ở nước ngoài theo hình thức hợp đồng. Hiện nay, cả nước có 580.000 người đang làm việc ở 43 quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau.
“Philippines coi việc đưa công dân đi lao động ở nước ngoài là một ngành công nghiệp và đào tạo rất bài bản. Bình quân mỗi năm nước này có khoảng một triệu người tham gia thị trường này và kiều hối gửi về khoảng 20 tỷ USD một năm. Con số này ở Việt Nam khoảng 5 tỷ USD”, ông Dung cho hay.
Người đứng đầu ngành lao động, thương binh & xã hội thừa nhận việc đưa người đi làm việc ở nước ngoài đang đối mặt với nhiều khó khăn như tình trạng môi giới bất hợp pháp, trốn ở lại vi phạm hợp đồng…Vì vậy vừa qua, Bộ cùng với các địa phương quyết tâm chấn chỉnh, xem xét xử phạt 118 trong tổng số 459 doanh nghiệp lĩnh vực này.
Bộ Lao động Thương binh Xã hội cũng đang nghiên cứu tiêu chuẩn, điều kiện thành lập doanh nghiệp đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài dựa trên những kinh nghiệm nhiều năm qua.
Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) trình Quốc hội xin ý kiến lần đầu, dự kiến được thông qua vào kỳ họp cuối năm.
Thùy Linh