Người đứng sau thành công của vaccine BNT162b2
Hai vợ chồng nhà khoa học Özlem Türeci và Ugur Sahin thuộc Công ty BioNTech vừa công bố vaccine BNT162b2 đạt hiệu quả ngừa Covid – 19 lên đến 90% ở giai đoạn 3. Là kết quả hợp tác giữa BioNTech cùng đối tác dược phẩm Mỹ Pfizer, BNT162b2 là loại vaccine ứng dụng công nghệ di truyền RNA, sử dụng RNA thông tin để hỗ trợ hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng chống lại mầm bệnh.
Thành công của vaccine BNT162b2 có sự đóng góp to lớn của vợ chồng nhà khoa học Özlem Türeci và Ugur Sahin – hậu duệ của những người nhập cư Thổ Nhĩ Kỳ tới Đức vào những năm 1960. Hai người kết hôn năm 2002 và hiện tại đều mang quốc tịch Đức
Khi Covid-19 xuất hiện hồi đầu năm, BioNTech đã nhanh chóng tái phân bổ nguồn lực để ứng phó tình hình. Khi dịch bệnh bước vào giai đoạn đỉnh điểm tháng 5/2020, hai vợ chồng nhà khoa học Özlem Türeci – Ugur Sahin cùng công ty đã nghiên cứu song song hơn 20 loại vaccine Covid-19. 5 trong số hơn 20 loại vaccine này sau đó tiếp tục được thử nghiệm trong Chương trình Lightspeed – chương trình hợp tác với 500 nhà khoa học về phản ứng miễn dịch của vaccine Covid-19
Trong mắt đồng nghiệp, nhà khoa học Ugur Sahin là một người khiêm tốn, hòa nhã và dễ mến. Tính cách đó đặc biệt thể hiện rõ nét khi ông nói về cuộc chạy đua toàn cầu ngăn ngừa Covid-19. Dù vaccine BNT162b2 đạt hiệu quả ngăn ngừa Covid – 19 lên đến 90% ở giai đoạn 3 song Ugur Sahin vẫn khẳng định “đứa con tinh thần” của mình không phải vaccine duy nhất chống lại dịch bệnh; đồng thời nhấn mạnh vẫn còn rất nhiều ứng viên tiềm năng đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng.
Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có loại vắc xin nào được chứng minh là có hiệu quả cao trong thời gian ngắn như BNT162b2. Vắc xin của Pfizer và BioNTech bao gồm 2 liều, tiêm cách nhau 3 tuần. Các thử nghiệm ở Mỹ, Đức, Brazil, Argentina, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy khả năng bảo vệ của vắc xin đạt tới 90% một tuần sau liều thứ 2. Công ty BioNTech và hãng dược phẩm Pfizer cho biết họ hoàn toàn không phát hiện các mối lo ngại nghiêm trọng về tính an toàn của vắc xin và dự kiến sẽ nộp đơn xin sử dụng khẩn cấp lên cơ quan chức năng Mỹ vào cuối tháng 11/2020. Thông báo này mang lại niềm hi vọng lớn cho cả thế giới trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid – 19 với tổng cộng hơn 50 triệu người lây nhiễm tính đến thời điểm hiện tại.
Nhà khoa học Ugur Sahin cho biết công ty của ông hoàn toàn có thể tự phát triển vaccine nhưng sẽ gặp khó khăn trong khâu phân phối. Đó là lý do BioNTech quyết định hợp tác với Pfizer – hãng dược phẩm hàng đầu của Mỹ. Theo đó Pfizer sẽ tài trợ 185 triệu USD cho dự án phát triển vaccine Covid-19 và sau khi BioNTech hoàn thành nghiên cứu, hãng dược của Mỹ sẽ cấp thêm 563 triệu USD nữa.
Hiện tại Công ty BioNTech được định giá 21,9 tỷ USD, gấp 4 lần so với trị giá Hãng Hàng không Lufthansa. Đây thực sự là tin vui lớn đối với công ty mới chỉ góp mặt trên sàn chứng khoán Mỹ một năm trước.
Nhật báo quốc gia Đức Tagesspiegel ca ngợi thành công của vợ chồng Özlem Türeci và Ugur Sahin là sự xoa dịu tinh thần cho những người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ sau hàng thế kỷ phải sống với định kiến là những người buôn bán rau củ thu nhập thấp. Câu chuyện của nhà sáng lập BioNTech cũng là điểm sáng, đánh dấu sự tham gia vào đời sống xã hội Đức của những người gốc Thổ Nhĩ Kỳ, vốn là đề tài được quan tâm trong suốt gần một thập kỷ qua. Truyền thông Đức gọi họ là “người làm nên phép màu vaccine”.
Kim Phương