Ngành thép và xi măng những tháng cuối năm – Kỳ vọng phục hồi từ quyết định nới lỏng giãn cách xã hội và gia tăng đầu tư công của Chính phủ
Sau chuỗi ngày dài liên tục sụt giảm, kể từ đầu quý III/2020, sản lượng tiêu thụ thép và xi măng đã có sự gia tăng nhẹ như một sự khởi đầu đầy lạc quan cho triển vọng phục hồi những tháng cuối năm.
Những dấu hiệu tích cực từ ngành thép
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng 7/2020 sản xuất thép các loại đạt hơn 2.106.562 tấn, tăng 7,7% so với tháng trước và ngang mức cùng kỳ 2019. Bán hàng thép các loại đạt 1.955.784 tấn, tăng 11,25% so với tháng 6/2020; trong đó xuất khẩu thép các loại đạt 424.734 tấn, tăng 41,37% so với tháng trước, và tăng 16,2% so với cùng kỳ tháng 7/2019.
Từ những tín hiệu tích cực này cộng với quyết định nới lỏng chính sách giãn cách xã hội và gia tăng đầu tư công của Chính phủ, các chuyên gia của Công ty CP Chứng khoán SSI (SSI Research) đưa ra dự báo nhu cầu cuối năm sẽ phục hồi và tăng 4-5% so với cùng kỳ (ước tính chiếm khoảng 15% sản lượng tiêu thụ thép).
Theo ghi nhận của SSI Research, nhu cầu thép tiếp tục tăng mạnh ở Trung Quốc cũng giúp Việt Nam được hưởng lợi rất nhiều. Cụ thể theo thống kê của Hiệp hội quặng sắt và thép Trung Quốc, 6 tháng đầu năm 2020, sản lượng thép của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đã tăng gấp 15 lần, lên 1,06 triệu tấn, chiếm khoảng 27% tổng sản lượng thép xuất khẩu của Việt Nam.
Cùng chung cái nhìn lạc quan, ông Phạm Minh Tú – Chuyên viên phân tích ngành thép của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt nhận định thị trường thép những tháng cuối năm sẽ có sự khởi sắc, xuất phát từ khoảng 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công được Chính phủ chi ra trong năm 2020, trong đó có 200.000 tỷ đồng sẽ chi cho các dự án hạ tầng lớn như: cao tốc Bắc Nam, sân bay Tân Sơn Nhất… Tín hiệu vui là khối lượng giải ngân vốn đầu tư công đã tăng kỷ lục trong tháng 7. Tính chung 7 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 194,2 nghìn tỷ đồng, bằng 41,26% kế hoạch giao đầu năm (cùng kỳ đạt 32,27%).
Ngoài ra khả năng kiểm soát tốt dịch bệnh tốt, chi phí nhân công rẻ, môi trường đầu tư thông thoáng, tài nguyên dồi dào…cũng góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng của các doanh nghiệp FDI trong làn sóng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Dòng vốn FDI ào ạt đổ vào Việt Nam đồng nghĩa với nhu cầu đầu tư nhà xưởng, khu công nghiệp sẽ tăng cao, kéo theo nhu cầu về thép xây dựng.
Bước sang năm 2021, ước tính nhu cầu thép sẽ tăng khoảng 3-5% từ mức cơ sở thấp trong năm 2020; xuất phát từ sự phục hồi của nền kinh tế vĩ mô chung, hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng và dòng vốn FDI vào Việt Nam. Theo Hiệp hội Thép thế giới, nhu cầu thép toàn cầu dự kiến phục hồi 4% trong năm 2021 góp phần hỗ trợ đắc lực cho kênh xuất khẩu của các công ty sản xuất tại Việt Nam.
Lạc quan ngành xi măng
Đối với ngành xi măng, theo thống kê trong 6 tháng đầu năm 2020, do hoạt động xây dựng chững lại nên mức tiêu thụ xi măng trong nước giảm 12% so với cùng kỳ. Tuy nhiên thời gian gần đây nhờ dịch Covid-19 được kiểm soát nên nhu cầu thị trường đã dần phục hồi.
Đặc biệt nhu cầu xi măng tại thị trường Trung Quốc tăng cao nên kênh xuất khẩu có sự phục hồi mạnh mẽ hơn, với sản lượng tăng 24% so với cùng kỳ trong quý II/2020 sau khi giảm 10% so với cùng kỳ trong quý I/2020. Do đó, tổng sản lượng xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2020 tăng 6% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 35% và chiếm 52% tổng sản lượng xuất khẩu.
Triển vọng những tháng cuối năm, SSI Research ước tính nhu cầu trong nước sẽ phục hồi 3% so với cùng kỳ, nhờ đẩy mạnh đầu tư công. Đáng chú ý, việc cải thiện biên lợi nhuận gộp trong ngành này sẽ tiếp tục diễn ra, được hưởng lợi từ giá than đầu vào giảm cũng như các biện pháp cắt giảm tích cực.
Do sự phục hồi của nền kinh tế vĩ mô và hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng, SSI Research cũng đưa ra dự báo năm 2021 nhu cầu xi măng trong nước có thể phục hồi 3-5% từ mức thấp trong năm 2020
Tùng Chi