Ngành Nông nghiệp tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế – xã hội trong trạng thái bình thường mới
Đó là nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao cho ngành Nông nghiệp tại Hội nghị Tổng kết Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 diễn ra ở Hà Nội

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá cao những nỗ lực của Bộ NN&PTNT, luôn chủ động, phối hợp đồng bộ với các Bộ, ban ngành khác trong xúc tiến thương mại cũng như trong công tác tháo gỡ đầu ra cho nông sản xuất khẩu khi bị ách tắc do tác động của dịch bệnh Covid-19.
Theo ghi nhận của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đây không còn là câu chuyện riêng biệt thị trường là của ai, công tác phát triển thị trường của ai…mà là nhiệm vụ chung của tất cả các Bộ, ban ngành, cơ quan quản lý nhà nước. Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng, thời gian qua Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đã cùng phối hợp triển khai hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại mà điển hình thành công chính là việc mở cửa thị trường Trung Quốc. Câu chuyện gạo đi EU, sữa đi Trung Quốc là minh chứng sống động nhất cho tinh thần trách nhiệm và sự phối hợp của cả hai Bộ.
Người đứng đầu Bộ Công Thương cũng đánh giá cao câu chuyện hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường trong năm 2020. “Chúng ta chứng kiến làn sóng đầu tư và doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, đặc biệt theo chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng đã được định hình và khẳng định. Chính vì vậy, những mô hình như tại Sơn La, Đồng Tháp… đã được khẳng định. Đây là mô hình cần phải nhân rộng trong thời gian tới” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Khẳng định báo cáo của Bộ NN&PTNT đã rất toàn diện song Bộ trưởng Trần Tuấn Anh vẫn đề nghị cơ quan này bổ sung thêm phần đánh giá triển khai thực hiện công tác mở cửa thị trường, thực thi các cam kết hội nhập bởi đây được xem là vấn đề sống còn. Bộ trưởng cũng cho rằng hoạt động sản xuất nói chung – sản xuất nông nghiệp phải gắn với các tín hiệu của thị trường nhưng để làm được điều này thì vai trò của Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương cùng các Bộ, ban ngành là rất quan trọng, cần tích cực phối hợp với nhau để chuyển tín hiệu thị trường đến với người nông dân. “Có rất nhiều nhiệm vụ đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng của các Bộ, ban ngành, cơ quan quản lý nhà nước, nhất là đối với các vấn đề sống còn của ngành Nông nghiệp như: phát triển thị trường; đổi mới trong phương thức quản lý nông nghiệp; thu hút đầu tư nông nghiệp nông thôn; truy xuất nguồn gốc… Chính vì vậy Thủ tướng cần chỉ đạo các Bộ, ngành chủ động phối hợp với Bộ NN&PTNT để cùng hỗ trợ, triển khai thực hiện các hoạt động phát triển nông thôn ở các địa phương cũng như tổng kết sớm bài học từ các mô hình làm tốt ở các địa phương để nhân rộng” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị.
Đối với Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đề nghị trong thời gian tới cơ quan này cần có cơ chế chính sách để thay đổi mô hình sản xuất một cách tận gốc để đảm bảo được nền kinh tế hàng hóa trong nông nghiệp. Ngoài ra Bộ NN&PTNT cần tiếp tục phối hợp đưa ra trong chương trình hành động của bộ mình trong việc để thực thi các chương trình hành động của Chính phủ trong các cam kết hội nhập nội dung liên quan đến hoạt động đào tạo cho người nông dân, đặc biệt liên quan đến kinh tế số, nền tảng số cũng như phục vụ cho liên kết với doanh nghiệp cũng như chuỗi cung ứng.
Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá năm 2020, trong bối cảnh khó khăn chưa từng có, ngành Nông nghiệp vẫn đóng góp trên 10 tỷ USD vào xuất siêu cho nền kinh tế nước ta. Đây thực sự là một năm thành công với nhiều điểm sáng toàn diện của ngành, trong khó khăn cho thấy vai trò sống còn nhằm đảm bảo an ninh lương thực, là bệ đỡ quan trọng cho nền kinh tế…
Biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực vượt khó của toàn ngành Nông nghiệp song Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đồng thời đưa ra nhận định rằng trong năm qua ngành tăng trưởng vẫn chưa đảm bảo bền vững, vẫn còn nhiều bất cập về: cơ sở hạ tầng; thu nhập và đời sống người dân ở nông thôn còn thấp; nạn phá rừng…Giao kế hoạch năm 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành Nông nghiệp cần tiếp tục chủ trương, tinh thần biến “nguy cơ thành thời cơ”; tận dụng hiệu quả cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (CPTPP, EVFTA, RCEP…) để phục hồi nền kinh tế. Chỉ tiêu GDP ngành phải giữ được ở mức trên 3%; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản phải đạt 44 tỷ USD, tỷ lệ che phủ rừng đạt mức 43%, nông thôn mới đạt trên 70%, thành lập mới 2.000 HTX nông nghiệp, tổng số HTX nông nghiệp đạt hiệu quả là hơn 16.000 HTX.
Đển hoàn thành các mục tiêu này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành Nông nghiệp cần tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế – xã hội trong trạng thái bình thường mới. Có cơ chế chính sách phát triển theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch; chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp; ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ, chú trọng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số tiến tới hình thành nền sản xuất nông nghiệp thông minh, nông nghiệp số trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Thủ tướng cũng đề nghị ngành Nông nghiệp cần quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng Nông thôn mới; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, khơi thông các nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
Trần Bảo