Ngành Ngân hàng cần tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, tăng khả năng tiếp cận tín dụng….
Đây là đề nghị của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.
Báo cáo tại Hội nghị, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết việc điều chỉnh giảm 4 lần lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2,0%/năm đã giúp hạ nhiệt lãi suất tiết kiệm cũng như cho vay. Theo đó tính đến hết tháng 6/2023, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại đã giảm khoảng 1,0%/năm so với cuối năm ngoái. Bản thân các ngân hàng thương mại cũng đã chủ động điều chỉnh và triển khai các gói tín dụng ưu đãi để giảm lãi suất cho vay với mức giảm khoảng 0,5-3,0%/năm tùy đối tượng khách hàng đối với các khoản vay mới.
Về chính sách điều hành tín dụng, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết trong 6 tháng đầu năm đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tính đến hết quý II/2023, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,49 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên đây vẫn là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của ngành Ngân hàng trong việc điều chỉnh lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Tuy nhiên người đứng đầu Chính phủ cũng đồng thời nhấn mạnh mặt bằng lãi suất hiện nay, đặc biệt là lãi suất cho vay vẫn còn cao; dư nợ tín dụng tăng thấp, nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận tín dụng mới. Để khắc phục bất cập này, Thủ tướng đề nghị ngành Ngân hàng thực hiện chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt và nới lỏng hơn; triển khai quyết liệt các giải pháp như tiết giảm chi phí, cắt giảm các loại phí để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay.
Trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng thấp và nhiều doanh nghiệp khó vay vốn, Thủ tướng yêu cầu ngành Ngân hàng rà soát các điều kiện, các tiêu chí cho vay để điều chỉnh phù hợp, thuận lợi hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Về phía các ngân hàng thương mại cũng phải đẩy mạnh triển khai thực hiện gói tín dụng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất và 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội từ nguồn vốn của các ngân hàng theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu, Thủ tướng đánh giá mặc dù nợ xấu tiếp tục được xử lý nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro; tiến độ xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém còn chậm. Để tháo gỡ “nút thắt” này, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu ngành Ngân hàng tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định 689 của Thủ tướng Chính phủ và công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội. Khẩn trương xử lý, cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm thanh khoản hệ thống; đồng thời khẩn trương cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) tiếp tục xử lý nợ bảo đảm kịp thời, hiệu quả.
Về định hướng chính sách, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hoà với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, nhanh chóng, dứt khoát. “Việc Chính phủ đưa ra chủ trương chuyển chính sách tiền tệ từ “chặt chẽ” sang “chắc chắn” và tiếp tục chuyển sang “linh hoạt, nới lỏng hơn” (từ tháng 6/2023) là rất cần thiết và phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế cho người dân. Tuy nhiên việc thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, nới lỏng hơn cần có trọng tâm, trọng điểm và có kiểm soát” – Thủ tướng lưu ý.
Hoàng Anh