Ngành logistics: Tận dụng hiệu quả các cơ hội “vàng” để bứt phá

Theo các chuyên gia, ngành logistics Việt Nam đang đứng trước rất nhiều cơ hội: kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt mức tăng trưởng cao (năm 2021 đạt trên 668 tỷ USD); sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử; doanh nghiệp logistics đã có kinh nghiệm thích nghi và vượt qua năm thứ hai khó khăn nhất của dịch bệnh Covid-19…. Tuy nhiên để tận dụng hiệu quả các cơ hội “vàng”, tạo bước đột phá cho ngành kinh tế tiềm năng này, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm…

Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng

Có thể thấy ngành logistics không chỉ đem lại nguồn lợi lớn cho quốc gia mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc đổi mới mô hình tăng trưởng và bảo đảm cho tăng trưởng kinh tế bền vững thời kỳ hội nhập. Với việc khai thác và phát huy triệt để mọi tiềm năng thế mạnh sẵn có, thời gian qua ngành dịch vụ logistics Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ với tăng trưởng bình quân hàng năm đạt mức khá, từ 12-15%/năm.

Hiện cả nước có hơn 4.000 doanh nghiệp logistics hoạt động chuyên nghiệp cung cấp dịch vụ logistics quốc tế. Ngoài ra còn có 69 trung tâm logistics quy mô lớn và vừa, phân bổ tập trung ở một số khu công nghiệp. Đáng chú ý quan trọng trong việc đổi mới mô hình tăng trưởng và bảo đảm cho tăng trưởng kinh tế bền vững các trung tâm này đang trong giai đoạn chuyển đổi từ trung tâm logistics truyền thống sang trung tâm logistics thế hệ mới, áp dụng công nghệ 4.0.

Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đạt được, phải thẳng thắn nhìn nhận ngành dịch vụ logistics trong nước vẫn còn nhiều hạn chế, phát triển chưa tương xứng với những tiềm năng, lợi thế sẵn có. Phát biểu tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2021 với chủ đề “Phát triển nhân lực logistics” do Bộ Công Thương tổ chức, bà Carolyn Turk – Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới Việt Nam cho biết năm 2021, tác động của đại dịch Covid-19 đã đẩy chi phí dịch vụ logistics tại Việt Nam lên khá cao; chưa kể sự liên kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics với nhau và với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu còn chưa chặt chẽ, kém hiệu quả; nguồn nhân lực làm dịch vụ logistics thiếu cả về lượng lẫn chất; thiếu các trung tâm logistics hiện đại, quy mô lớn, nhất là các trung tâm logistics để sơ chế, chế biến, bảo quản nhằm giảm thiểu hư hỏng, bảo đảm điều kiện để xuất khẩu …

Một bất cập nữa là quy mô và tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu, năng lực cạnh tranh còn thấp, việc tiến ra thị trường nước ngoài chưa đáng kể. Thống kê cho thấy doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam chiếm tỷ trọng khoảng 95% nhưng đa số là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, cung cấp các dịch vụ chưa có giá trị gia tăng cao. Áp lực càng lớn hơn khi các doanh nghiệp logistics trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các doanh nghiệp nước ngoài…

Khơi thông các điểm nghẽn

Theo các chuyên gia, để tạo bước đột phá cho ngành logistics, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm như: phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng logistics theo hướng đồng bộ, hiện đại; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực logistics… Trong đó yêu cầu cấp thiết nhất là phải ưu tiên phát triển hệ thống hạ tầng giao thông vận tải nói chung – đường biển nói riêng nhằm đảm bảo duy trì chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa, giảm chi phí, tiến tới nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.

Để làm được điều này đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các Bộ, ban ngành, địa phương nhằm khắc phục các bất cập, khơi thông những điểm nghẽn, hình thành các trung tâm logistics hiện đại, quy mô lớn, có trình độ tự động hóa cao, có thể tham gia dịch vụ vận tải đa phương thức quốc tế và dịch vụ logistics xuyên biên giới. Các trung tâm logistics này phải được kết nối với các phương tiện vận tải theo hướng đa phương thức và với cảng biển bằng hệ thống đường sắt hiện đại theo mô hình cảng biển – đường sắt – các trung tâm logistics – đường ôtô – khách hàng.

Một yêu cầu nữa là cần sớm đưa vào vận hành các trung tâm logistics trên các tuyến hành lang kinh tế, trong đó đặc biệt ưu tiên các hành lang kinh tế qua các cửa khẩu quốc tế với Trung Quốc, Lào và Campuchia.

Thế Chung