Ngành gỗ nội thất đau đầu bài toán chi phí đầu vào tăng

Từ cuối năm 2021 đến nay, nhu cầu gỗ và đồ nội thất nội thất trên thị trường thế giới tiếp tục tăng và doanh nghiệp ngành gỗ, đặc biệt là ngành nội thất cũng đã kín đơn hàng đến hết quý III, thậm chí là hết năm 2022. Với đà tăng trưởng này, mục tiêu ngành gỗ đạt 16,5 tỷ USD trong năm nay hoàn toàn nằm trong tầm tay; tuy nhiên biên lợi nhuận của doanh nghiệp trong ngành có nguy cơ bị ăn mòn vì nhiều chi phí vẫn ở mức cao, đáng kể nhất là giá container quốc tế.

Sản phẩm triển lãm tại Vietnam Furniture Matching Week 2022. Ảnh: Viễn Thông

Ông Võ Quốc Lợi – Ủy viên ban chấp hành Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp.HCM (HAWA), đại diện Gỗ Trường Thành cho biết dù xuất khẩu gỗ có nhiều yếu tố tích cực song ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh Covid-19 và cuộc chiến Nga – Ukraine đang khiến doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng thiếu tàu vận tải biển, thiếu container, giá cước phí vận tải đường biển tăng quá cao, ảnh hưởng đến chi phí và nhu cầu nhập hàng của khách. “Tính đến tháng 3/2022, bình quân chi phí mỗi container đi Mỹ ở mức trên 10.000 USD. Do thị trường Mỹ chiếm đến 60% kim ngạch xuất khẩu gỗ nội thất của Việt Nam nên giá container đi Mỹ tăng khiến các doanh nghiệp thấp thỏm, đứng ngồi không yên” – ông Lợi thông tin.

Còn theo bà Võ Thị Phương Lan – Trưởng Ban Vận tải và Giao nhận của VLA, mặc dù giá cước đi Mỹ năm 2022 đã có dấu hiệu hạ nhiệt song vẫn còn ở mức cao. Khảo sát của VLA cho thấy nếu giá mỗi container đi bờ Đông thời điểm tháng 1/2021 trung bình chỉ khoảng 4.800 USD thì đến tháng 12/2021 đã tăng lên 22.000 USD; tương tự giá mỗi container đi bờ Tây cũng tăng từ 4.000 USD lên 19.000 USD.  Riêng trong quý I/2022, giá container đi bờ Đông là 16.333 USD, đi bờ Tây là 13.667 USD; con số này so với giai đoạn cuối năm 2021 đã có sự sụt giảm đáng kể. Theo dự báo của VLA, trong quý II/2022 giá sẽ về mức xấp xỉ trung bình của kỳ II/2021 và đến quý cuối năm mới hạ nhiệt khoảng 25-38%.

Tuy nhiên bà Lan lưu ý đây chỉ là mức giá trung bình và thực tế có lúc nhà mua hàng Mỹ phải tốn hơn 20.000 USD để nhập một container nội thất Việt Nam. Thậm chí có trường hợp một container đồ gỗ giá trị 25.000 USD mà cước đi bờ Đông cũng gần bằng. “Do đó để tiết kiệm chi phí vận chuyển và chủ động được container rỗng, doanh nghiệp có thể tìm hiểu giải pháp “swap container”, tức là giữ lại chính container mà họ nhập nguyên liệu để đóng hàng xuất đi. Tuy nhiên để tiếp cận phương thức này đòi hỏi doanh nghiệp phải chọn được hãng tàu tương đồng giữa nhập và xuất cũng như chủ động thương thảo, giành quyền book tàu, thay đổi cách nhập nguyên liệu với đối tác mua – bán hàng. Ngoài ra để tăng cơ hội book được tàu, tránh tình trạng book qua nhiều trung gian tốn kém chi phí, các nhà xuất nhập khẩu cũng cần tìm các đại lý vận tải cấp 1 có giấy phép FMC của Cục hàng hải liên bang Mỹ” – bà Lan khuyến nghị

Bên cạnh giá container thì giá xăng dầu tăng cũng là nguyên nhân đội chi phí vận tải nội địa từ nhà máy ra cảng tăng cao. Nếu như năm 2021, giá dầu trong nước tăng 21% so với 2020 thì trong quý I/2022,  giá dầu đã tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát các doanh nghiệp logistics lẫn sản xuất. “Hiện nay phần lớn gỗ và sản phẩm gỗ được xuất khẩu tại các cảng trải dài trong nước, tập trung nhiều nhất cảng Cát Lái (chiếm tỷ trọng 18%). Trong khi đó hầu hết doanh nghiệp ngành này lại phân bố ở địa bàn các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tp.HCM. Vận chuyển xa xôi, chi phí xăng dầu tăng đã ảnh hưởng đến chi phí xuất khẩu. Đó là chưa kể cảng Cát Lái là cửa ngõ chính xuất ngoại nhưng vì Tp.HCM áp dụng phí cơ sở hạ tầng từ tháng 4, chi phí logistics càng đội lên cao” – đại diện Gỗ Trường Thành chia sẻ

Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Mỹ Lệ – Phó Giám đốc Marketing Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn khuyến nghị để tối ưu hóa chi phí, doanh nghiệp cần lựa chọn thêm các tuyến trung chuyển tiết kiệm chi phí, đưa hàng ra cảng Cái Mép. Cụ thể tại khu vực Tân Uyên (Bình Dương), doanh nghiệp gỗ có thể đưa hàng về cảng Thạnh Phước để trung chuyển 110 km trong 12 giờ lên cảng Cái Mép. Đi bằng đường thuỷ về Cái Mép tiết kiệm chi phí 20-30% so với đường bộ và tiết giảm được phí hạ tầng cảng khi không xuất tại Cát Lái. Một số tuyến trung chuyển từ ICD Tân Cảng – Long Bình, ICD Tân Cảng – Nhơn Trạch đến Cái Mép cũng sẽ giúp tiết kiệm hơn 10% chi phí.

Ngoài ra một thách thức khác phải kể đến chính là chi phí nguyên liệu đầu vào cũng tăng (gỗ sồi xẻ tăng 28%, gỗ sồi tròn tăng 40%, gỗ dương xẻ tăng 40%…). Đặt trong bối cảnh chiến sự Nga – Ukraine và tắc nghẽn container, nhiều khả năng chi phí nguyên vật liệu sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới.

Trước tình hình trên, ông Lợi khuyến nghị các doanh nghiệp cần chủ động đàm phán với các tổ chức tài chính để tăng hạn mức vốn lưu động, tạo điều kiện thương thảo các hợp đồng mua nguyên vật liệu, dịch vụ logistics dài hạn; đồng thời chú trọng cơ cấu lại danh mục sản phẩm để có chiến lược mua hàng hợp lý và tối ưu hóa chi phí sản xuất. Cũng nằm trong mục tiêu chung tiết giảm chi phí, doanh nghiệp có thể hợp tác mua chung nguyên liệu số lượng lớn, đàm phán với đối tác mua hàng để có kế hoạch sản xuất dài hạn hơn… Trong dài hạn, doanh nghiệp cần tính đến chuyện đầu tư chuyển đổi số để tiết kiệm chi phí, giảm hao hụt và tiết giảm nhân công.

Long Phạm