Ngành dệt may, da giày và nỗ lực tận dụng tối đa các lợi ích EVFTA mang lại
Ngay khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực, dệt may và da giày sẽ trở thành các ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA. Tuy nhiên để tận dụng tốt cơ hội vàng này, bên cạnh việc đáp ứng hiệu quả các yêu cầu khắt khe của EVFTA thì bài toán của thị trường vẫn là bài toán mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng phải tìm lời giải.
Tìm cơ hội trong thách thức
Dưới góc nhìn của một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành dệt may, ông Nguyễn Trọng Phi – Chủ tịch HĐQT Giovanni Group khẳng định Hiệp định EVFTA sẽ mang lại cơ hội bứt phá tuyệt vời cho ngành dệt may, da giày Việt Nam.
Từ xưa đến nay, dệt may, da giày trong nước chủ yếu làm gia công sản xuất cho các thương hiệu quốc tế, nhất là thương hiệu Âu Mỹ. Khi trào lưu dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu ra khỏi Trung Quốc diễn ra vào năm 2018 và ngày hôm nay lại càng dồn dập.
Đặc biệt, EVFTA là một lực hút khiến Việt Nam trở nên sáng giá trong Top các quốc gia trở thành trung tâm mới của chuỗi cung ứng toàn cầu. EVFTA ưu đãi thuế quan cho các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam sang EU và ngược lại.
Tuy nhiên, hiệp định này không đề cập tới sản phẩm đó mang thương hiệu nào, chủ sở hữu cơ sở sản xuất là ai. Nếu 1 đôi giày sản xuất trên lãnh thổ Việt Nam, bởi người Việt Nam, đáp ứng đầy đủ các nguyên tắc xuất xứ để được hưởng lợi từ EVFTA nhưng chủ sở hữu cơ sở sản xuất lại là người nước ngoài thì nhìn chung, bản chất Việt Nam vẫn tiếp tục gia công cho ngoại quốc và những thành quả của EVFTA thực tế lại phục vụ cho doanh nghiệp nước ngoài.
“Để doanh nghiệp, người lao động Việt Nam có thể tận hưởng nhiều lợi ích hơn từ EVFTA, Chính phủ và doanh nghiệp cần nhanh chóng có những chiến lược tầm quốc gia cho vấn đề này, đặc biệt là góc độ ngành dệt may, da giày” – ông Phi khuyến nghị.
Cũng theo người đứng đầu Giovanni Group, thách thức trong tiệm cận các cơ hội từ EVFTA của ngành dệt may, da giày Việt Nam chủ yếu đến từ lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. EVFTA vốn đề cao sự tối ưu nguồn gốc xuất xứ nguyên phụ liệu cấu thành nên sản phẩm, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, ngành dệt may Việt Nam lại lệ thuộc đến 90% nguồn nguyên phụ liệu của Trung Quốc.
Với ngành da giày thì tỷ lệ này còn cao hơn nữa. Nội tại ngành công nghiệp phụ trợ cho dệt may, da giày của Việt Nam gần như còn rất sơ khai. Nếu có thì cũng không đáng kể, hoặc chất lượng sản phẩm không thể đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu sang các thị trường khó tính như EU. EVFTA đề ra thách thức cho ngành công nghiệp phụ trợ dệt may, da giày của Việt Nam và có thể xem là một cú huých mạnh mẽ để thay đổi.
Sản xuất nguyên phụ liệu không phải là việc của một vài công ty mà lĩnh vực này cần sự quy hoạch của chính phủ thành từng vùng với hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư bài bản. Theo ghi nhận của ông Phi, hiện nay trên thế giới đã xuất hiện các công nghệ sản xuất vải, dệt nhuộm rất hiện đại, thậm chí không cần dùng tới nước để không có nước thải. Các công nghệ này cũng đã được giới thiệu tới Việt Nam và điều cần thiết lúc này là Chính phủ nên khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án được triển khai thông qua chính sách hỗ trợ về đất, thuế, vốn… Có như vậy Việt Nam mới có thể tận dụng triệt để và hiệu quả các lợi ích mà EVFTA mang lại.
Con người là vốn quý
Bên cạnh việc đảm bảo quy tắc xuất xứ, trong tầm nhìn dài hạn hơn, con người mới là bài toán cốt lõi để ngành thời trang Việt Nam cất cánh. Theo ông Phi, “nút thắt” hiện nay là hệ thống giáo dục của Việt Nam có rất ít chương trình đào tạo về ngành dệt may, da giày, nếu có cũng chỉ là dạy thợ, dạy nghề.
Trong khi đó, nếu kỹ thuật từ EU đổ về Việt Nam và chiến lược nâng tầm vị thế ngành dệt may, da giày lên cao đòi hỏi những nhân sự có trình độ cao và rất am tường về lĩnh vực này. Chính vì thế giải pháp trong ngắn hạn, doanh nghiệp cần cử nhân sự sang châu Âu học tập để rồi phát triển nguồn nhân lực nòng cốt cho lĩnh vực này, có như vậy dệt may, da giày Việt Nam mới hưởng lợi từ EVFTA và ngành thời trang Việt Nam mới mau chóng cất cánh.
Chủ tịch Giovanni Group cũng chia sẻ về một mô hình mới mà đơn vị đang tiến hành hứa hẹn sẽ là một hướng đi mới đầy triển vọng cho ngành dệt may Việt Nam. Theo đó doanh nghiệp Việt Nam mua các li-xăng sản xuất sản phẩm của các thương hiệu thời trang ngoại quốc, nhất là thương hiệu EU để tự sản xuất, sau đó bán lại cho các thương hiệu đó để họ cung ứng vào chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.
“Cách làm này nghe tưởng đơn giản nhưng lại đòi hỏi nhiều kỹ thuật và nhất là trình độ tay nghề sản xuất ở hạng cao cấp bởi mô hình này chủ yếu chỉ có ở phân khúc thời trang hạng cao. Chỉ có cách làm này, Việt Nam mới có thể tạo ra những giá trị lớn hơn cho chuỗi cung ứng mới và tận dụng tối đa các lợi ích EVFTA mang lại” – ông Phi nhấn mạnh.
Ngọc Đỉnh