Ngành Công Thương xúc tiến các giải pháp chống ách tắc nông sản, đảm bảo nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân trong mùa dịch
Dịch bệnh Covid – 19 tái bùng phát, trước nguy cơ ách tắc nông sản tại các địa phương có dịch, các Sở Công Thương đang xúc tiến nhiều giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho công tác vận chuyển cũng như hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con.
So với 3 đợt trước đó, đợt dịch lần thứ 4 được ghi nhận là lan rộng và lan nhanh hơn khi chỉ trong một thời gian ngắn đã có hơn 24 địa phương trong cả nước có ca nhiễm bệnh. Rút kinh nghiệm từ sự cố ách tắc hàng hóa tại Hải Dương vào đợt dịch trước, bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết cơ quan này đã yêu cầu Sở Công Thương các địa phương xúc tiến triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ vận chuyển và tiêu thụ nông sản vào vụ thu hoạch; đồng thời tích cực phối hợp với ngành nông nghiệp, kết nối các hệ thống bán lẻ, doanh nghiệp phân phối lớn trong cũng như ngoài nước để đưa nông sản vào tiêu thụ tại các siêu thị
Hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, các doanh nghiệp bán lẻ, phân phối trong nước cũng đã sẵn sàng vào cuộc hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân vùng dịch. “Hiện Bộ Công Thương đang theo dõi sát diễn biến thị trường hàng hóa để kịp thời có phương án xử lý các bất ổn về cung cầu. Chúng tôi khuyến nghị trong mọi hoàn cảnh, hàng hóa sản xuất, vận chuyển đều phải bảo đảm an toàn thực phẩm và tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch của ngành y tế, giao thông” – bà Nga cho hay.
Trước đó tại cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành cả nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương áp dụng giãn cách xã hội theo phân cấp trên cơ sở vẫn đảm bảo sự lưu thông của hàng hóa, nguyên liệu sản xuất, đảm bảo thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, hiện một số địa phương đã thực hiện phong tỏa diện hẹp từng khu vực cũng như cách ly xã hội trên diện rộng. Điểm sáng đáng ghi nhận là hoạt động thương mại, mua sắm tại vẫn diễn ra bình thường tại các địa phương có dịch (Hà Nội, Tp.HCM, Vĩnh Phúc, Hải Dương…), hoàn toàn không có hiện tượng khan hàn, trữ hàng, đặc biệt là các mặt hàng nhu yếu phẩm như: mì tôm, thịt heo và các sản phẩm chế biến từ thịt, sữa, đường, muối… Các hệ thống bán lẻ còn đưa ra chương trình kích cầu mua sắm, đơn cử như Co.opmart bán 10.000 sản phẩm thiếu yếu với giá giảm từ 20-50%. Còn tại các chợ dân sinh, mặc dù giá rau xanh có tăng nhẹ song giá thực phẩm vẫn giữ bình ổn.
Tại Hà Nội – địa phương có số ca nhiễm Covid-19 nhiều nhất trong đợt dịch thứ 4, quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho biết cơ quan này đã làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp sản xuất, phân phối bán lẻ các hàng hóa thiết yếu. Để bảo đảm nguồn cung và bình ổn thị trường, Hà Nội đã tăng gấp 3 lần lượng hàng thiết yếu sẵn sàng phục vụ nhu cầu của người dân Thủ đô trong 3 tháng với trị giá khoảng 194.000 tỷ đồng. Ngoài ra Sở Công Thương cũng đã xây dựng kịch bản cung ứng và vận chuyển hàng cho người dân tại các khu vực cách ly, phong toả theo 3 cấp độ: cấp độ 1 từ 20 đến dưới 1.000 ca mắc bệnh, giá trị hàng cung ứng gần 314 tỷ đồn; cấp độ 2 từ 1.000-3.000 trường hợp mắc bệnh, giá trị hàng cung ứng gần 1.049 tỷ đồng; cấp độ 3 từ 3.000-30.000 ca mắc bệnh, giá trị hàng cung ứng hơn 5.359 tỷ đồng
Theo bà Lan, đến thời điểm hiện tại trên địa bàn Thủ đô chưa có hiện tượng sốt hàng xảy ra, các siêu thị đã tăng lượng hàng dự trữ lên gấp đôi, gấp ba, đảm bảo đủ hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên cơ sở vẫn bình ổn giá.
Còn tại “đầu tàu” kinh tế của cả nước, bên cạnh việc đưa ra các tình huống ứng phó dịch bệnh, Sở Công Thương Tp.HCM cũng yêu cầu các đơn vị trên địa bàn bảo đảm đủ các mặt hàng thiết yếu như: xăng, dầu, lương thực, thực phẩm, khẩu trang, nước rửa tay…Riêng tại Quảng Ngãi, thị trường đã dần ổn định trở lại sau đợt nhu cầu mua bán của người dân tăng đột biến 30% so với ngày thường do xuất hiện thông tin có ca dương tính mới trên địa bàn.
Về phía các doanh nghiệp phân phối, các siêu thị đều tăng nguồn hàng dự trữ trong kho (có mặt hàng đủ bán tới 4 tháng) đảm bảo đáp ứng hiệu quả nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong mùa dịch. Cụ thể hệ thống Saigon Co.op đã trữ khoảng 12.000 tấn nông thuỷ sản, cung ứng trung bình 200.000 khẩu trang và hơn 10.000 chai nước rửa tay mỗi ngày. Tương tự hệ thống Lottemart cũng đã đảm bảo đủ hàng hóa phục vụ nhân dạn; về phía hệ thống siêu thị BigC cũng đã tăng gấp đôi lượng hàng dự trữ tại các kho để cung ứng cho thị trường, nhất là mặt hàng khẩu trang. Ngoài kênh truyền thống, các doanh nghiệp phân phối cũng đẩy mạnh kênh online, giao hàng miễn phí tại nhà trong mùa dịch; điển hình như Vinmart với lượng đơn hàng trực tuyến, qua điện thoại tăng gấp đôi, gấp ba so với ngày thường.
Nam Trung