Ngành chế biến điều Việt Nam chi tiền tỷ nhập khẩu nguyên liệu
Một trong những “nút thắt” của ngành chế biến điều trong nước là phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. 11 tháng năm 2018, xuất khẩu điều cả nước đạt gần 3,1 tỷ USD nhưng phải chi tới 2,25 tỷ USD để nhập khẩu điều thô nguyên liệu…
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn, trong tháng 11/2018, khối lượng điều nhân Việt Nam xuất khẩu đạt 37.000 tấn, thu về 291 triệu USD. Lũy kế 11 tháng qua nước ta xuất khẩu 342.000 tấn hạt điều, đạt trị giá 3,1 tỷ USD, tăng 5,9% về lượng nhưng giảm 3,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Thị trường hạt điều toàn cầu vẫn tiếp tục chịu sức ép giảm giá do áp lực dư cung, cầu yếu. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 11, giá xuất khẩu bình quân hạt điều đạt khoảng 9.297 USD/tấn, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu điều nhân đem lại nguồn ngoại tệ lớn, tuy nhiên “nút thắt” hiện nay nguồn nguyên liệu điều thô dùng để chế biến của nước ta chủ yếu vẫn dựa vào nhập khẩu, chiếm tới 70%. Trong tháng 11/2018, khối lượng điều thô nhập khẩu là 82.000 tấn, tiêu tốn 127 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị điều thô nhập khẩu trong 11 tháng lên 1,14 triệu tấn và giá trị đạt 2,25 tỷ USD. Thông qua những con số này cũng phần nào cho thấy ngành chế biến hạt điều Việt Nam hầu như phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu điều nhập khẩu. Đây cũng chính là bất lợi của ngành điều trong nước, nhất là trong bối cảnh nguồn cung điều thô trên thế giới đang bị thu hẹp khi một số nước như Nigeria, Bờ biển Ngà…định hướng hạn chế xuất khẩu điều thô, thúc đẩy phát triển chế biến điều; Tanzania thì thu mua toàn bộ điều thô trong nước khiến giá điều nguyên liệu bị đẩy lên cao.
Việt Nam hiện có hơn 465 doanh nghiệp chế biến điều với lượng hạt điều nguyên liệu hàng năm khoảng 1,5 triệu tấn; tuy nhiên điều bất cập chúng ta vẫn chưa chủ động được nguồn điều thô và ngày càng phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ nước ngoài. Liên tục từ năm 2009 đến nay, diện tích trồng điều cả nước có xu hướng giảm dần (từ gần 440.000 ha xuống còn 297.498 ha) do bà con nông dân chuyển sang trồng các loại cây khác có thu nhập cao hơn. Sản lượng điều trong nước hiện chỉ đáp ứng được hơn 30% nhu cầu của các DN chế biến XK điều; 70% còn lại phải nhập khẩu. Thực trạng này đòi hỏi Việt Nam cần chú trọng tăng năng suất, sản lượng điều trong nước để giảm nhập khẩu nguyên liệu.
Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn cũng xác định đến năm 2030 không tăng diện tích mà phải tập trung vào khâu kỹ thuật để tăng năng suất và sản lượng điều; đồng thời tập trung tái cơ cấu ngành điều. Theo đại diện Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn, nếu áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác thì năng suất điều cả nước có thể tăng 30 – 40% so với hiện tại.
Minh Đường